Hữu bệnh phương vi quý, vô thương bất thị kỳ; cách trung như khử bệnh, tài lộc hỷ tương tuỳ.
(Có bệnh thì mới là quý, không bị thương thì không phải mệnh phú quý. Trong mệnh cách nếu như bệnh được chữa, tài lộc tin tui đến bên cạnh).
Để hiểu được chữ “bệnh” cần phải hiểu sự vận hành của thiên đạo.
“Thiên chi đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc”. Tức là đạo vận hành của trời luôn chú trọng sự cân bằng. Chỗ nào dư ra thì lấy cái dư của nó mà bù cái thiếu của chỗ khác. Đạo trời ví như là giương cung nhắm bắn. Giơ quá cao thì cần hạ thấp xuống, giơ quá thấp thì cần nâng cao lên, dùng lực quá nhiều thì cần bớt lực đi, dùng lực quá ít thì cần thêm lực vào. Chủ yếu chú trọng ở chữ “cân bằng”.
Một bát tự cũng như một tiểu thiên địa, tức là một trời đất thu nhỏ. Nó cũng cần phải tuân theo qui luật cân bằng. Cân bằng trong bát tự có nhiều khía cạnh: cân bằng giữa hai khí âm dương, cân bằng của nhiệt độ nóng và lạnh, cân bằng giữa khô và ẩm, và cân bằng của ngũ hành.
Ở đây để đơn giản chỉ nói về cân bằng của ngũ hành. Ngũ hành bao gồm năm khí: kim, thuỷ, mộc, hoả, thổ. Ngũ hành nếu có một hành quá cường vượng (mạnh) hoặc quá nhược (yếu) sẽ làm mất cân bằng toàn bát tự.
Lấy mệnh chủ là mộc làm ví dụ. Mộc quá vượng có thể xảy ra các trường hợp sau:
(1) Mộc vượng mà gặp thổ thì nó khắc thổ, làm thổ bị thương. Như vậy bệnh là ở mộc.
(2) Hoặc nếu nó không gặp thổ mà cũng không gặp hoả thì tự mộc quá vượng nó sẽ tự thương bản thân nó. Như vậy bệnh là ở mộc.
(3) Hoặc mộc vượng cần hoả tới để tiết khí, vì mộc sinh hoả, sẽ làm mộc bớt vượng đi. Trong bát tự có hoả, nhưng hoả lại bị thuỷ khắc, không tiết khí được mộc. Như vậy bệnh là ở thuỷ.
(4) Hoặc mộc vượng cần kim tới khắc cho bớt vượng. Bát tự có kim, mà kim lại bị hoả gần bên khắc. Vậy bệnh là ở hoả.
(5) Hoặc mộc vượng cần kim tới khắc cho bớt vượng. Bát tự có kim, mà lại có thuỷ ở gần bên hoá kim sinh mộc (kim sinh thuỷ sinh mộc). Tức là kim không thể khắc mộc. Vậy bệnh là ở thuỷ.
Lấy mệnh chủ là mộc làm ví dụ. Mộc quá nhược có thể xảy ra các trường hợp sau:
(1) Mộc nhược cần thuỷ tới sinh cho bớt nhược. Bát tự không có thuỷ thì mộc không có sinh khí. Như vậy bệnh là ở mộc.
(2) Mộc nhược cần thuỷ tới sinh cho bớt nhược. Bát tự có thuỷ, nhưng có thổ ở gần bên khắc thuỷ, làm thuỷ không còn đủ sức sinh mộc. Như vậy bệnh là ở thổ.
(3) Mộc nhược, lại có hoả gần bên tiết khí (mộc sinh hoả nên bị tiết khí); làm cho mộc nhược càng nhược. Như vậy bệnh là ở hoả.
(4) Mộc nhược sợ bị khắc; bị khắc sẽ nhược càng nhược. Trong bát tự lại có kim gần bên khắc mộc. Như vậy bệnh là ở kim.
Như vậy bệnh không chỉ là sự mất cân bằng của ngũ hành, mà nó còn là nhân tố cản trở hệ thống ngũ hành trở về trạng thái cân bằng.
Có hai cách nhìn khác nhau về bệnh. Thứ nhất là mệnh quý trung hoà, tức là mệnh không có bệnh, bát tự trung hoà thì quý; thứ hai là có bệnh mới quý.
Cách nhìn thứ nhất là thuận theo thiên đạo. Tức lấy “tổn hữu dư nhi bổ bất túc” làm tôn chỉ. Cách nhìn thứ hai là thuận theo nhận đạo. Tức “tổn bất túc nhi phụng hữu dư” làm tôn chỉ.
Nhân đạo khác với thiên đạo. “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”. Thiên địa, trời đất vốn là vô tình, xem con người như chó rơm. Bất nhân, vô tình ở đây cần phải hiểu là công bằng, không thiên lệch. Muốn công bằng tuyệt đối, muốn xem người người đều như chó rơm, người giàu cũng như người nghèo, quan lại cũng như thường dân, nam cũng như nữ, người khóc cũng như người cười (chó rơm không biết khóc cười), thì thiên địa cần phải vô tình. Có vô tình mới có thể đối xử công bằng. Thiên địa mà có tình cảm thì chắc chắn sẽ xảy ra thiên lệch, ưu ái người này mà bất công với người kia. Như vậy thì thiên địa không thể thực hành cái đạo tổn hữu dư nhi bổ bất túc.
Nhân đạo thì ngược lại, nhân đạo có thất tình lục dục, có tham sân si, nên con người không thể “tổn hữu dư nhi bổ bất túc”. Người giàu có thì lợi dụng tiền bạc sẵn có để tạo lợi thế kiếm tiền nhiều hơn. Người có quyền uy thì dùng quyền uy của mình để tạo điều kiện cho bản thân có được nhiều đặc quyền hơn. Mà tiền bạc của cả xã hội thì có hạn. Mình lấy thêm được tiền tức là người khác phải bớt đi đúng số tiền đó. Vậy người có tiền càng thêm nhiều tiền, người nghèo khổ càng thêm mất tiền. Đã có dư còn muốn dư nhiều hơn. Đó là nhân đạo: "tổn bất túc nhi phụng hữu dư" (lấy cái không đủ mà nuôi cái đã có thừa).
Cách nhìn thứ nhất về bệnh (mệnh quý trung hoà) lấy thiên đạo làm tôn chỉ. Mệnh không có bệnh thì xem như quý. Cả đời bình bình an an, an nhàn tự tại, tu tâm dưỡng tính mà sống.
Cách nhìn thứ hai về bệnh (hữu bệnh phương vi quý) lấy nhân đạo làm tôn chỉ. Sẵn sàng hi sinh chỗ này để được chỗ khác. Như mệnh nam Ất sinh ngày Mão tháng Mão, gặp trụ ngày là Mậu thổ thì thổ bị khắc tổn rất mạnh, là tổn vợ hoặc tổn con. Nhưng một khi hành vận gặp hoả thì sẽ dễ dàng phát đạt, kiếm được nhiều tiền. Đó là chịu tổn vợ hoặc tổn con mà đổi lại tiền bạc.
Thánh nhân không màng danh lợi, tài lộc, chỉ chú trọng tu tâm dưỡng tính, giúp đời giúp người, an nhàn tự tại, nên thánh nhân lấy cân bằng là quý. Phàm nhân xem trọng danh lợi, tiền tài, nên phàm nhân lấy bệnh là quý.
Ở đây cần nhấn mạnh mệnh quý trung hoà còn có thể hiểu theo nghĩa: luận mệnh cần lấy trung hoà làm tôn chỉ. Tức gặp hành vận mà bát tự hướng gần hơn đến vị trí cân bằng thì là quý, là cát lợi. Ngược lại gặp hành vận mà bát tự càng xa rời vị trí cân bằng thì là hung, là bất lợi. Chứ không chỉ thuần tuý có nghĩa mệnh trung hoà là quý mệnh. Tuy nhiên cũng cần chú ý là không có mệnh nào là trung hoà, nó chỉ là một trạng thái lí tưởng mà thôi.
Như vậy “Hữu bệnh phương vi quý, vô thương bất thị kỳ” cần phải hiểu là cách nhìn mệnh lý theo Nhân đạo, nó không hoàn toàn đúng. Nó đúng đến đâu thì cần phải định nghĩa thế nào là "quý", thế nào là "kỳ", như đã giải thích phía trên.
“Cách trung như khử bệnh, tài lộc hỷ tương tuỳ” chính là nói nếu bệnh trong bát tự được khử thì tiền bạc, danh lợi cùng nhau đến. Đây là do khi khử được bệnh, tức có bệnh mà gặp thuốc, chữa được bệnh thì ngũ hành trong mệnh được cân bằng hơn, tức là điều cát lợi, điều lành đã đến.
Tóm lại, câu thứ nhất của Ngũ Ngôn Độc Bộ giới thiệu triết lý về mệnh lý của nó: Nhân đạo.
Đăng ngày: 3/12/2020 12:58:23 PM Lần xem: 2632 lần - Phản hồi: 12
Dần Mão đa kim Sửu, bần phú cao đê tẩu. Nam địa phạ phùng Thân, bắc phương hưu kiến Dậu.
(Dần Mão mà có nhiều kim và kim trong Sửu, muốn biết giàu nghèo sang hèn thì xem hành vận. Hành vận về phía nam thì sợ thấy chi Thân, hành vận về phía bắc thì không muốn thấy chi Dậu.)
“Dần Mão đa kim Sửu”: mệnh Giáp Ất sinh tháng Dần Mão, trong mệnh lại có nhiều kim, tức là thấy từ hai chữ trở lên trong các chữ sau đây: Canh, Tân, Thân, Dậu, Tuất, Sửu. Ngoài ra chữ “đa” ở đây còn phải hiểu là khí thế của kim vững mạnh. Tức là kim này phải có gốc, tức là phải có ít nhất một chữ Thân, Dậu, hoặc Sửu. Đó là phác thảo mệnh cục được đem ra làm ví dụ cho câu này.
“Bần phú cao đê tẩu”: Đối với mệnh cục mộc – kim lưỡng đình (hai bên thế lực gần như ngang nhau) như vậy, vai trò quyết định phú quý sang hèn của mệnh chủ phụ thuộc rất lớn vào hành vận.
Nếu mộc vượng hơn kim, hành vận cần giúp kim chế bớt mộc, giúp cho bát tự cân bằng hơn. Nếu kim vượng hơn mộc, hành vận cần giúp mộc. Tóm lại, những gì chúng ta rút ra ở đây là phú quý bần tiện của một bát tự có phần đóng góp to lớn của hành vận. Chỉ xem mệnh cục mà không xem hành vận là một thiếu sót trong việc cân đo phú quý bần tiện.
Tầm quan trọng của hành vận là vấn đề thứ nhất đề cập đến trong phần này. Vấn đề thứ hai là căn khí.
“Nam địa phạ phùng Thân, bắc phương hưu kiến Dậu”: Sinh tháng Dần Mão là đông phương. Dương nam, âm nữ hành vận thuận, lần lượt sẽ qua đông phương mộc, nam phương hoả và gặp Thân trước Dậu. Âm nam, dương nữ hành vận nghịch lần lượt sẽ qua đông phương mộc, bắc phương thuỷ và gặp Dậu trước Thân.
Mệnh Giáp Ất mộc, sinh tháng Dần Mão, kim vững mạnh. Nếu sinh tháng Dần thì sợ gặp niên vận Thân xung, sinh tháng Mão thì sợ niên vận Dậu xung. Bị Thân hay Dậu xung là Giáp Ất mộc mất đi căn khí, trong khi căn khí của kim trong mệnh vẫn còn (điều kiện để kim vững mạnh, chữ “đa” đã giải thích phía trên). Tức là nói kim là Quan Sát của mộc mà kim vượng lên, mộc yếu đi. Kim vượng hơn mộc thì là hung, chủ công danh không toại, sức khoẻ yếu kém, tiền tài thất thoát, tình duyên lận đận. Cho nên nguyên văn mới lấy chứ “phạ” (sợ), “hưu” (không nên).
Ở đây vấn đề căn khí là rất quan trọng. Có căn khí tức gốc vững thì có thể chịu được hình khắc, có cơ hội trở mình. Không có căn khí thì không thể chịu được hình khắc, khó có cơ hội trở mình.
Căn khí là một vấn đề nhiều người nhầm lẫn. Thường nghe nói đại loại như thân cường mà suy, trong suy mà vượng, vô cùng rắc rối, thâm ảo. Ở đây tôi muốn lý giải lại cho rõ ràng.
Có căn khí vững vàng thì là cường, không có căn khí vững vàng thì là nhược. Nhật chủ được toàn cục sinh trợ, cái sinh trợ nhiều hơn cái tiết chế thì là vượng. Nhật chủ bị toàn cục trấn áp, cái tiết chế nhiều hơn cái sinh trợ thì là suy.
Như vậy, cường – nhược, vượng – suy là hai khái niệm khác nhau. Trong đó, cường – nhược là một yếu tố để cân đo vượng - suy. Cường (có căn khí) thì dễ dàng (nhưng chưa chắc) vượng, vì nhật chủ dễ dàng tiếp nhận khí của nguyên thần (nguyên thần là cái sinh ra ta. Như nhật chủ là mộc, thì nguyên thần là thuỷ). Ví dụ nôm na như sau: nhật chủ mộc có căn thì thuỷ sinh 10 lấy được 8-10. Nhật chủ vô căn thì thuỷ sinh cho 10, lấy được 5-7. Nhật chủ cường thì chịu được hình khắc. Ví dụ nhật chủ mộc có căn, kim đến khắc 10, thì nhật chủ tổn 2-3. Nhật chủ mộc vô căn, kim đến khắc 10 thì chịu đủ 10.
Tại sao vậy? Tại vì nhật chủ là thiên can, là thiên khí. Căn khí tại địa chi, là địa khí, hoặc nhân khí. Nhật chủ có căn thì thiên địa đồng khí liên chi, địa khí trợ cho thiên khí, cho nên thiên khí kim (Canh, Tân) đến tổn Giáp, Ất thì có địa khí (Dần, Mão, Thìn, Mùi) bù lại. Đây chính là thiên – địa – nhân hợp nhất.
Như vậy vấn đề rắc rối, thâm ảo không cần thiết chính là sử dụng cường - nhược, vượng - suy nhầm lẫn cho nhau, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Cho nên tên chính xác là trường phái vượng suy, cách gọi chính xác là nhật chủ vượng hoặc nhật chủ suy. Cách gọi nhật chủ nhược vô tình làm đảo lộn khái niệm, khó hiểu. (Nhưng hiện nay tôi vẫn nói nhật chủ nhược vì thuận tiện và dễ hiểu cho người hỏi mệnh).
Tóm lại, nếu câu thứ nhất “Hữu bệnh phương vi quý…” đề cập đến triết lí, kim chỉ nam của Ngũ Ngôn Độc Bộ là Nhân đạo; thì câu thứ hai “Dần Mão đa kim Sửu…”, đề cập đến tầm quan trọng của ba vấn đề cốt lõi khi xem mệnh đó là nguyên cục, hành vận, và căn khí. Muốn phân quý tiện sang hèn không chỉ dựa vào nguyên cục (bát tự) mà còn phải kết hợp hành vận. Muốn định vượng – suy thì không chỉ nhìn khí mà còn phải nhìn thế (căn khí), tức là phải biết cường – nhược.
Kiến lộc sinh đề nguyệt, tài quan hỷ thấu thiên, bất nghi thân tái vượng, duy hỷ mậu tài nguyên
(Kiến lộc tại đề cương nguyệt lệnh, Tài Quan hỷ thấu lộ, không thích hợp thân lại vượng thêm, chỉ hỷ nguồn Tài mạnh)
-----
“Kiến lộc sinh đề nguyệt”: Trong phần này Ngũ Ngôn Độc Bộ vẫn dùng nhật nguyên mộc làm ví dụ. Mệnh Giáp sinh tháng Dần, hoặc mệnh Ất sinh tháng Mão là kiến lộc tại trụ tháng. Trụ tháng còn gọi là nguyệt lệnh hoặc đề cương. Đây chính là phác thảo mệnh cục dùng làm ví dụ cho câu này.
Ở câu này có hai vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất là kiến lộc; thứ hai là nguyệt lệnh đề cương.
Ở hai câu trước tác giả đề cập đến các yếu tố cơ bản nhất của mệnh lý Tử Bình là triết lý Nhân đạo, và mệnh vận của một người là sự tổng hợp của mệnh (bát tự) và vận (hành vận; chủ yếu bao gồm đại vận và lưu niên); đồng thời nói rõ vai trò quan trọng của căn khí. Đến phần này, tác giả đề cập đến một trường hợp đặc biệt của căn khí là kiến lộc.
Tại sao kiến lộc lại quan trọng như vậy? Kiến lộc là khi mệnh Giáp gặp Dần, Ất gặp Mão, Bính gặp Tỵ, Đinh gặp Ngọ, Canh gặp Thân, Tân gặp Dậu, Nhâm gặp hợi và Quý gặp Tý. Trường hợp đặc biệt, có pha tạp là Mậu gặp Tỵ và Kỷ gặp Ngọ. Khi thiên can gặp đất lộc, đó là thời cơ vững mạnh nhất của thiên can. Có hai lý do như sau:
Lí do thứ nhất theo thuyết Thiên – Nhân hợp nhất. Lấy Giáp gặp Dần làm ví dụ. Bản khí của Dần cũng là Giáp (Dần tàng Giáp bản khí, Bính trung khí, Mậu dư khí). Như vậy thiên khí (thiên can) là dương mộc, gặp địa khí (địa chi) cũng là dương mộc, thì thiên địa đồng khí liên chi, thiên – địa hợp nhất ở mức độ hoàn hảo nhất, bền vững nhất vì nó cùng một hành khí làm chủ. Thiên – địa hợp nhất, hoặc thiên – nhân hợp nhất, hoặc thiên – địa – nhân hợp nhất đều là những cách nói khác nhau của Tam Tài hợp nhất (Tam Tài gồm thiên, địa, nhân). Tam Tài hợp nhất là sự tốt lành to lớn nhất, chính vì thế mà các môn huyền học luôn hướng đến điều này.
Ví dụ như Dịch lý có quẻ Địa Thiên Thái là thể hiện rõ tư tưởng thiên nhân hợp nhất. Địa ở trên là khí âm ở trên, khí âm trọc thì nặng, nặng thì hướng xuống dưới. Thiên ở dưới là khí dương ở dưới, khí dương thanh thì nhẹ, nhẹ thì hướng lên trên. Ở trên thì hướng xuống dưới, ở dưới thì hướng lên trên là tượng giao hoà lẫn nhau. Thiên địa giao hoà, âm dương giao hoà thì vạn vật hoá sinh. Do đó được chữ Thái.
Hoặc như phong thuỷ huyền không phi tinh dùng đường lượng thiên xích để xác định khí tốt ở đâu, khí xấu chỗ nào. Sau đó cải tạo lại địa hình xung quanh hoặc nội thất trong nhà sao cho đón và giữ được khí tốt, xa lánh hoặc hoá giải khí xấu. Khí tốt, khí xấu chính là nguyên khí của trời đất, là Thiên Địa. Nhà cửa, con người chính là Nhân. Cải tạo địa hình, nội thất sao cho phù hợp với khí tốt, khí xấu chính là cố gắng để Nhân được hài hoà với Thiên Địa.
Có thể nói xét về mặt Tam Tài, tức Thiên – Địa – Nhân hợp nhất thì kiến lộc chính là vị trí tốt nhất của thiên can.
Ngoài ra, còn một lý do để cho rằng lộc là vị trí tốt lành nhất là sử dụng vòng trường sinh để biện luận. Trong mười hai vị trí của vòng trường sinh, vị trí đế vượng là lớn mạnh nhất. Nhưng đạo trên đời, vật cùng tất phản. Khi hành khí đạt đến điểm vượng nhất là đế vượng, thì bên trong bản thân nó đã tàng chứa cái mầm suy vi, đi xuống. Do đó, mặc dù đế vượng là vị trí vượng thịnh nhất, nhưng không phải tốt nhất vì trước mặt nó không còn tương lai. Vị trí tốt nhất là lộc, đủ vượng để đảm đương, nhưng không đến cùng cực mà vẫn còn vị trí để tiến lên, tức vẫn còn tương lai tươi sáng phía trước.
Vấn đề thứ hai mà câu này đề cập đến chính là đề cương hay còn gọi là nguyệt lệnh.
Lí do tháng sinh được gọi là “đề”, là “lệnh” bởi vì nó chi phối sự mạnh yếu của ngũ hành trong mệnh cục, tạm gọi là tinh khí. Về cách đo lường tinh khí, chủ yếu có hai thuyết.
Thuyết thứ nhất thường được sử dụng nhất là vòng trường sinh. Vòng trường sinh có 12 vị trí, được sắp xếp theo thứ tự như sau: trường sinh, mộc dục, quan đới, lâm quan, đế vượng, suy, bệnh, tử, mộ, tuyệt, thai, dưỡng. Lấy can Giáp làm ví dụ. Giáp trường sinh ở Hợi, mộc dục ở Tý, quan đới ở Sửu, tương tự tính thuận chiều kim đồng hồ cho đến hết vòng trường sinh. Lấy can Ất làm ví dụ. Ất trường sinh ở Ngọ, mộc dục ở Tỵ, quan đới ở Thìn, tương tự tính nghịch chiều kim đồng hồ cho đến hết vòng trường sinh.
Trong 12 vị trí của vòng trường sinh, thì 6 vị trí từ dưỡng cho đến đới vượng là tiến khí, vì lúc đó hành khí lớn mạnh dần lên, đến đới vượng là khi hành khí lớn mạnh nhất. Còn lại 6 vị trí từ suy đến thai là thoái khí, vì lúc đó hành khí yếu dần đi.
Về vòng trường sinh lại có quan điểm ứng dựng. Quan điểm thứ nhất là thiên can phân âm dương, can dương tính thuận, can âm tính nghịch như đã nói ở trên. Với quan điểm này thì chủ yếu dựa trên tôn chỉ dương sinh âm tử, âm tử âm sinh. Ví dụ Giáp mộc sinh tại Hợi mà tử tại Ngọ, thì Ất mộc sinh tại Ngọ mà tử tại Hợi. Quan điểm này có hai cách tính. (1) Nếu thiên can sinh ở tháng trường sinh, mộc dục, quan đới, lâm quan, đế vượng thì tính là đắc lệnh hoặc đắc khí, tức bản thân nó có tinh khí mãnh mẽ. Nếu thiên can rơi vào các trường hợp còn lại là thất lệnh hoặc thất khí, tức bản thân nó tinh khí suy kiệt. (2) Nếu thiên can sinh vào các tháng tiến khí thì tinh khí no đủ, còn sinh vào các tháng thoái khí thì sinh khí không đủ. Như vậy cả hai cách tính này chỉ khác nhau ở một vị trí là dưỡng. Với cách tính thứ nhất thì dưỡng là vị trí bất lợi; còn với cách tính số hai thì dưỡng là vị trí có lợi.
Quan điểm ứng dụng thứ hai của vòng trường sinh là hành khí không phân âm dương. Tức là không có dương mộc hay âm mộc, mà âm dương là một thể thống nhất, đồng sinh cộng tử. Tức là vòng trường sinh chỉ có một chiều thuận, trùng với chiều của thiên can dương theo quan điểm ứng dụng thứ nhất. Ví dụ, Giáp và Ất đều là mộc, mộc sinh tại Hợi, tử tại Ngọ, mộ tại Tuất. Luận điểm chủ yếu của quan điểm này là vòng trường sinh của âm can là không hợp lí. Đại khái lấy Ất làm ví dụ. Ất sinh tại Ngọ, nhưng Ngọ là hoả. Tại Ngọ Ất bị tiết khí. Ất khi mới sinh vốn tinh khí non nớt, mà lại còn bị tiết khí thì không phải là cát tường. Tương tự lập luận sinh khắc chế hoá tương tự cho các âm can còn lại.
Thuyết thứ hai áp dụng tháng sinh để tính tinh khí bản nguyên của thiên can là sử dụng tứ thời, kèm theo cái nhìn âm dương đồng sinh cộng tử. Tứ thời là bốn mùa xuân hạ thu đông. Lấy mùa xuân làm ví dụ. Mùa xuân mộc đương lệnh; mộc như ông vua cầm lệnh chỉ huy: mộc vượng. Mộc sinh hoả, hoả được ông vua ưu ái thì như được phong tướng: hoả tướng. Mộc được thuỷ sinh; thuỷ như cha mẹ sinh cho mộc. Mùa xuân mộc vượng như đứa con đã lớn, con lớn thì cha mẹ đã đến hồi suy yếu: thuỷ hưu. Mộc khắc thổ; thổ bị ông vua khắc: thổ tử. Kim khắc mộc, tức là khắc vua, là phạm thượng (phạm vượng): kim tù. Trong 5 trạng thái vượng, tướng, hưu, tù, tử, trạng thái tốt nhất là tướng, tốt nhì là vượng, kế đến là tử, sau đó đến hưu tù. Tuy nhiên, chỉ có hai trạng thái được cho là có tinh khí no đủ là vượng và tướng. Thuật ngữ cho vượng tướng là đắc tiết, cho hưu tù tử là thất tiết.
Tóm lại, việc tính toán tinh khí bản nguyên của ngũ hành trong một bát tự chủ yếu dựa vào nguyệt lệnh. Sau khi có tinh khí bản nguyên mạnh yếu, no đủ hay khuyết thiếu, thì mới tính đến tác động qua lại giữa ngũ hành để đi đến quyết định cuối cùng về độ vượng tinh khí của một hành. Tác động qua lại giữa ngũ hành được thể hiện bằng các mối quan hệ, tương tác can – can, chi – chi, và can – chi.
Như vậy, “kiến lộc sinh đề nguyệt”, không chỉ đơn thuần nói Giáp sinh tháng Dần, Ất sinh tháng Mão; mà nó giới thiệu hai khái niệm quan trọng của môn bát tự là lộc và nguyệt lệnh.
-----
“Tài Quan hỷ thấu thiên”: đối với một bát tự có nhật chủ kiến lộc tại nguyệt lệnh, cần có Tài và Quan thấu lộ ra thiên can thì mới quý. Câu này lại nói đến khái niệm thấu lộ và ẩn tàng, cũng chính là nói sự khác biệt về mặt công năng của thiên can và địa chi.
Môn Tử Bình quan niệm can – chi là hai mặt đối lập nhưng thống nhất với nhau. Đối lập ở chỗ can là động, chi là tĩnh; can là ngoài, chi là trong; can là hiện, chi là ẩn tàng; can là thuần, chi là tạp; can là cành, là ngọn; chi là thân, là gốc, là rễ. Bát tự kiến lộc đề nguyệt thường là thân vượng, thân vượng thì hỷ có Quan đến chế cho bớt vượng, có Tài đến tổn thân cũng góp phần đưa bát tự về trạng thái cân bằng hơn. Đồng thời Tài còn sinh Quan, giúp Quan chế thân được hiểu quả hơn; Tài cũng khắc Ấn, làm Ấn không sinh được thân nên bát tự không bị thiên lệch nhiều hơn.
Cần Tài Quan, nhưng cũng nhấn mạnh là “thấu thiên”, tức là phải thấu lộ ra thiên can. Mệnh Giáp chẳng hạn. Bát tự cần thấy can Canh, Tân, Mậu, Kỷ. Tại sao cần phải “thấu thiên”? Bởi vì thiên can là động, là hiện. Tác dụng của thiên can rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, tức thời hơn địa chi. Cho nên Giáp gặp Canh, Tân, Mậu, Kỷ là lập tức phát động khắc chế lẫn nhau. Nếu Giáp mộc tháng Dần vượng, không gặp bốn chữ trên, mà giả sử chỉ gặp địa chi như Dậu, Tuất, Sửu thì vẫn là gặp Tài Quan ở địa chi, nhưng tác dụng khắc chế không rõ ràng, không mạnh mẽ vì thiên can rất dễ phát động, còn địa chi không dễ phát động. Như vậy giữa một mệnh thấu Tài Quan (có Tài Quan ở thiên can) và toạ Tài Quan (có Tài Quan ở địa chi) thì mệnh trước được khắc chế mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Có lợi thì cũng có hại. Ví dụ mệnh Giáp sinh tháng Dần, thiên can lại có hai Ất như vậy là mộc quá động, quá hoành hành. Lúc đó không nên lại thấy Tài (Mậu, Kỷ) tại thiên can. Vì Tài xuất can là lộ, là phát động, dễ dàng sinh khắc chế hoá cái khác, nhưng tự bản thân nó cũng dễ dàng bị khắc chế. Trong trường hợp này nếu Tài thổ thấu xuất mà không có cứu giúp sẽ bị mộc thổ khắc phạt rất nặng, vốn là mệnh nghèo hèn. Tốt nhất lúc này là Tài dày trọng và ẩn tàng tại địa chi.
Ngoài khái niệm thấu xuất, phần này còn giới thiệu khái niệm Tài Quan, tức là thập thần. Thập thần bao gồm có Ấn, Kiêu, Tỷ, Kiếp, Thực, Thương, Chính Tài, Thiên Tài, Quan, Sát. Những khái niệm này đơn giản, không phân tích thêm.
Ở đây chỉ có một lưu ý, tại sao chỉ nhắc đến Tài Quan trước, mà không nhắc đến những thần còn lại? Đó là vì con người (Nhân đạo) vốn quan trọng phú quý, tức là tiền tài, danh vọng. Tài đại diện cho thông tin tiền tài, Quan Sát đại diện cho danh vọng, công danh. Cho nên Tài Quan là hai thông tin được chú trọng nhất trong Tử Bình.
-----
“Bất nghi thân tái vượng”: đến đây cần nhắc lại bài bố của bát tự được đem ra làm ví dụ. Đó là bát tự mệnh mộc, kiến lộc tại nguyệt lệnh, đồng thời thấu Tài và/hoặc Quan tại thiên can. Trong trường hợp bát tự như vậy cần nhìn hành vận. Hành vận không nên giúp cho thân mộc vượng thêm lên, tức là không nên gặp thuỷ mộc, vì thuỷ sinh mộc, mộc trợ mộc; lúc đó mộc trong nguyên cục quá vượng, sẽ khắc Tài thổ nặng hơn, hoặc khắc ngược trở lại Quan kim. Như vậy là phá tài, công danh bất toại.
-----
“Duy hỷ mậu tài nguyên”: trong trường hợp bát tự có bố cục như vậy, thích hành vận trợ cho Tài, tức là gặp nơi có nhiều thổ. Vì thổ sẽ trợ Tài thổ trong mệnh, giúp Tài không bị khắc mà còn hao tổn mộc, giúp cho bát tự cân bằng hơn. Hoặc Tài thổ có thể sinh Quan kim tiết chế mộc.
“Tài nguyên” ở đây không nên chỉ hiểu là đất Tài vượng, mà “nguyên” còn có thể hiểu là nguyên thần, tức là thần sinh ra Tài: Thực Thương. Đặc biệt, nếu mệnh cục kiến lộc đề nguyệt, chỉ có Tài thấu mà không có Quan thấu thì tốt nhất là gặp Thực Thương hoả. Mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, như vậy nhờ hoả thông quan mà mộc thay vì khắc thổ (xấu) lại quay ra giúp thổ (tốt), đồng thời tự bản thân cũng bị tiết khí bớt vượng đi, vậy là mệnh phát tài.
-----
Tóm lại câu thứ 3: “Kiến lộc sinh đề nguyệt, tài quan hỷ thấu thiên, bất nghi thân tái vượng, duy hỷ mậu tài nguyên” đề cập đến một loại hình căn khí đặc biệt là lộc, giới thiệu các khái niệm đề cương nguyệt lệnh, Tài, Quan, nguyên thần, thấu lộ; đồng thời trình bày cơ bản ngũ hành sinh khắc chế hoá khi áp dụng vào một bát tự.
-----
Ví dụ bát tự thực tế:
Khôn: Mậu Thìn – Giáp Dần – Giáp Ngọ - Giáp Tuất
Đây là mệnh nữ tôi xem số đã lâu. Hiện nay không còn nhớ là ai để xin phép đăng bát tự. Nếu đương số có phật ý, tôi xin được lượng thứ.
Mệnh này Giáp kiến Dần lộc tại nguyệt lệnh (1). Bát tự thấu Tài Mậu có căn khí tại Thìn, Dần, Tuất là vững mạnh (2,4). Đáng tiếc bát tự thấu 3 Giáp, lại là chính khắc nên phá Tài rất dữ. Mệnh cục có tam hợp Dần Ngọ Tuất giúp thông quan mộc – thổ (4). Vận Nhâm Tý xung nhật trụ Giáp Ngọ, phá mất tam hợp hoả là phản cục, bát tự không còn thông quan. Mộc lập tức phá Thổ. Lại thêm Nhâm thuỷ sinh Giáp mộc (3), phá lại càng phá. Ấn Tý là mẹ, Mậu Tài là cha nên vận này cha mẹ li dị. Vì Tý đến xung mà Mậu bị phá thành ra là tượng cha mẹ hại nhau vậy.
Ví dụ phía trên minh hoạ Tài tinh thấu xuất tuy có công dụng rõ ràng, nhưng cũng dễ gặp khắc hại nếu thân cường vượng. Tốt nhất nếu thân vượng lại có quá nhiều Tỷ Kiếp, Tài thấu thì cần có thêm nguyên thần Tài là Nhi (Thực Thương) hoặc vệ thần Tài là Quan Sát để bảo vệ Tài.
Thổ hậu đa phùng hoả, qui kim vượng ngộ thu, đông thiên thuỷ mộc phím, danh lợi tổng hư phù.
(Thổ dày gặp nhiều hoả, qui về kim vượng tại mùa thu, mùa đông thuỷ mộc tràn lan, danh lợi sẽ hư phù)
Câu 4 này là phần giải thích nối tiếp cho câu số 3.
Câu 3 “kiến lộc sinh đề nguyệt, Tài Quan hỷ thấu thiên, bất nghi thân tái vượng, duy hỷ mậu Tài nguyên” đưa ra ví dụ mệnh mộc sinh tại tháng lộc, tức Giáp tại tháng Dần, Ất tại tháng Mão. Đối với loại mệnh cục này các tiêu chí để thành lập mệnh tốt là Tài Quan cần thấu, thân không nên hành vận được sinh trợ, nguồn Tài lại đầy đủ.
Như đã giải thích ở câu 3, khi Tài Quan thấu can thì công dụng rõ rệt hơn Tài Quan tàng ở địa chi. Tuy nhiên khi thấu thì Tài Quan cũng dễ bị tổn thương, vì thấu là lộ, là hiện, là động, là thuần. Cho nên ở câu 4 này, tác giả đưa ra từng trường hợp cụ thể là khi Tài thấu và khi Quan Sát thấu thì gặp điều kiện nào mới tốt.
-----
“Thổ hậu đa phùng hoả”: nếu mệnh kiến lộc sinh đề nguyệt, gặp thổ thấu can thì điều kiện để được mệnh tốt là (1) thổ phải dày. Vì quan hệ giữa Tài và nhật nguyên là quan hệ tương khắc, nhật nguyên khắc Tài. Trong mối quan hệ khắc thì cả hai đều bị tổn, nhưng cái đi khắc tổn ít hơn cái bị khắc: Tài có xu hướng bị tổn nhiều hơn nhật nguyên. Thêm nữa nhật nguyên đắc lộc tại tháng, tức nhật nguyên có căn khí vững, lại đắc khí là tự mình tinh khí đầy đủ, lại được địa khí tương trợ; trong khi tháng Dần Mão thì Tài thổ bị khắc tử, tức là tự bản thân Tài tinh tinh khí suy yếu. Như vậy là thổ ở thế bất lợi lắm, bản thân bát tự (nguyên cục) cũng mất cân bằng lắm. Phàm xem mệnh phú cần cân đo giữa hai yếu tố là nhật nguyên và Tài. Nhật nguyên vượng thì cần Tài vững, nhật nguyên suy thì cần Tài mỏng, như vậy mới có thể nắm giữ được tiền tài. Cho nên đối với mệnh kiến lộc sinh đề nguyệt, cần Tài thổ phải hậu, phải dày, tức là có căn khí vững vàng. Sau đó cần điều kiện nữa là (2) phải gặp đủ Thực Thương hoả. Hoả có lực sẽ giúp thông quan, tức là hoả sẽ tiết khí mộc (mộc sinh hoả), sau đó hoả sẽ đi sinh thổ. Được vậy thì thổ chẳng những không bị khắc mà còn gián tiếp được lợi từ mộc, giúp nguyên cục cân bằng hơn. Thường nói Thực Thương sinh Tài phú mệnh là vậy.
-----
“Qui kim vượng ngộ thu”: nếu mệnh không thấu Tài mà thấu Quan Sát kim thì lại cần điều kiện khác. Ở đây sử dụng chữ “qui” với ý nghĩa “qui về cho quản lí”. Quan Sát vốn khắc thân, đại biểu cho cái quản lí được nhật nguyên. Mối quan hệ giữa Quan Sát (ở đây gọi tắt là Quan) và thân là mối quan hệ tương khắc, Quan khắc thân thì thân bị tổn nhiều hơn Quan. Tuy nhiên cần nhìn lại, bát tự sinh tháng Dần Mão là lúc mộc vượng, bản thân nhật nguyên Giáp Ất vừa có căn khí vững, vừa đắc khí là tự thân tinh khí vượng lắm. Tháng Dần Mão thì kim vốn khắc mộc, nên kim phạm vượng, ở vào thời tù, là tinh khí suy yếu. Như vậy kim này đi khắc mộc này thì kim khuyết (kim bị mẻ), khó lòng mà chế phục nổi mộc. Chỗ cát lợi mà nguyên cục cần hướng tới đó là “ngộ thu”. Mùa thu thì kim vượng. Ở đây “ngộ thu” ý là nói gặp niên vận Thân Dậu; hoặc trong bát tự có Thân Dậu. Khi gặp Thân Dậu thì Quan Sát gặp căn khí, được tương trợ thì có năng lực chế phục được mộc, đưa bát tự về trạng thái cân bằng hơn. Thường nói thân vượng đắc Sát (Quan) là quý mệnh chính là vì vậy.
Đến đây có thể thấy rõ Ngũ Ngôn Độc Bộ chú trọng bố cục của bát tự. Nó diễn giải hỷ kỵ của mệnh thông qua những biến hoá khác nhau của cùng một mệnh cách. Ví dụ đối với mệnh Giáp Ất sinh tháng Dần Mão.
Nếu câu 2 (“Dần Mão đa kim Sửu, bần phú cao đê tẩu. Nam địa phạ phùng Thân, bắc phương hưu kiến Dậu) nói kỵ Thân Dậu, thì câu 4 này (“ […] qui kim vượng ngộ thu […] ”) lại nói Thân Dậu là hỷ. Quả thật là biến hoá. Sự biến hoá này là do khí thế của kim trong mệnh cục khác nhau. Nếu mệnh cục ở câu 2 có kim khí vững mạnh thì mệnh cục ở câu 4 lại có kim khí suy vi. Chính vì sự vững mạnh và suy vi khác nhau mà Thân Dậu là kỵ của mệnh ở câu 2, nhưng lại là hỷ của mệnh ở câu 4.
Như vậy người nghiên cứu Bát Tự khi xem mệnh phải linh hoạt, phải nắm vững khí thế. Nếu mệnh mộc mà kim – mộc tương đồng thì hỷ mộc không hỷ kim, vì kim khắc mộc thì mộc luôn tổn nhiều hơn kim tổn, thành ra ưu tiên mộc. Còn nếu kim suy vi mà mộc vượng thịnh thì hỷ kim.
Điều quan trọng nữa là câu thứ 3 “kiến lộc sinh đề nguyệt” đã giới thiệu khái niệm nguyệt lệnh đề cương. Vậy khi áp dụng nguyệt lệnh để xem khí thế, người học Tử Bình không chỉ xem khí thế của mỗi một mình nhật can, mà phải xem khí thế của những can chi còn lại. Lấy cách xem của ông Thiệu Vỹ Hoa làm ví dụ. Thiệu Vỹ Hoa đánh giá nhật can vượng nhược bằng ba tiêu chí: đắc lệnh, đắc thế, đắc địa. Nhưng đó chỉ là dành cho người mới bắt đầu. Đối với người nghiên cứu thâm sâu hơn một chút thì cần biết áp dụng cả ba tiêu chí đắc lệnh, đắc thế, đắc địa cho các can chi còn lại. Có như vậy mới nắm vững được bố cục của bát tự, từ đó thấu hiểu vận động của nguyên khí nội tại trong từng bát tự, tiến tới suy đoán cát hung đời người và hành vận.
-----
“Đông thiên thuỷ mộc phiếm, danh lợi tổng hư phù”: “Đông thiên” là mùa đông, cũng là chỉ phía Bắc, tức là nơi thuỷ vượng mộc tướng. Mệnh mộc kiến lộc sinh đề nguyệt, nếu tại các địa chi khác trong mệnh cục hoặc tại niên vận gặp tình trạng thuỷ vượng mộc tướng, tức được thuỷ sinh thêm, được mộc trợ thêm thì danh lợi khó mà toại nguyện. Vì nhật can vốn đã vượng, bát tự vốn đã mất cân bằng, nay nhật can lại được sinh trợ thêm, tức là bát tự lại càng mất cân bằng thêm. Lúc đó dù cho có thấu Quan Sát kim, kim khí cũng sẽ bị thuỷ khí hoá đi mất, danh không có. Hoặc thấu Tài thổ, Tài cũng sẽ bị mộc quá vượng mà phá mất, lợi cũng không có. Thành ra cả danh lẫn lợi đều hư phù.
Tóm lại, câu 4 “Thổ hậu đa phùng hoả, qui kim vượng ngộ thu, đông thiên thuỷ mộc phím, danh lợi tổng hư phù” càng củng cố thêm khái niệm và tác dụng thấu can của thiên can. Đồng thời, khi kết hợp với câu 2, nó chỉ ra tầm quan trọng nguyệt lệnh, và của việc nắm bắt bố cục bát tự; từ đó mà dẫn đến sự biến hoá của dụng thần, hỷ kỵ.
Có thể nói nắm bắt bố cục bát tự là bước đầu tiên cần phải làm được sau khi đã nhập môn Tử Bình. Nó là tiền đề vô cùng quan trọng để luận cơ giam (một số sách gọi là “điểm mấu chốt), thông qua đó mà thấy được cát hung của đời người và cát hung của hành vận.
-----
Ví dụ thực tế áp dụng xem Vượng Suy lấy nhật chủ làm trung tâm:
Ất Mùi - Quý Mùi - Canh Thân - Bính Tý
Đây là mệnh tôi xem số đã lâu. Hiện nay không còn nhớ là ai để xin phép đăng bát tự. Nếu đương số có phật ý, tôi xin được lượng thứ.
Mệnh Canh sinh tháng Mùi đắc lệnh. Mệnh cục gặp Mùi - Mùi là bên trái có Ấn thụ sinh cho, gặp Tý là bên phải có vệ thần bảo vệ. Thấu Quý là bên trên có vệ thần, toạ thân là phía dưới thông căn khí vượng. Thành ra đắc thế (được sinh, được trợ), đắc địa (thông căn tại địa chi, hoặc được địa chi sinh trợ). Tóm lại, Canh kim đắc lệnh, đắc thế, đắc địa nên kim khí vượng thịnh.
Bính hoả hành đến tháng Mùi là suy địa: thất lệnh. Toạ Tý là phía dưới có kỵ thần, bên trái có canh Thân là cừu thần cách trở (ngăn cách Bính và Mùi Mùi là đất hoả dư khí). tóm lại, Bính thất lệnh, thất địa, thất thế nên nhược
-----
Ví dụ thực tế áp dụng xem khí thế của toàn bát tự:
Càn: Kỷ Tỵ - Giáp Tuất – Canh Tuất – Bính Tuất
2 tuổi khởi vận.
Đây là mệnh nam tôi xem số đã lâu. Hiện nay không còn nhớ là ai để xin phép đăng bát tự. Nếu đương số có phật ý, tôi xin được lượng thứ.
Mệnh này người bắt đầu nghiên cứu có thể luận thổ vượng sinh thân vượng (Tuất có tàng kim), dụng mộc chế thổ.
Tuy nhiên có thể phân tích như sau: toàn cục hỏa thổ tương sinh là Sát Ấn tương sinh, lại sinh tháng Tuất thổ vượng, bát tự có 3 chi Tuất là hoả kho: khí thế của hoả thổ rất vượng. Giáp vô căn, thất tiết nên khi gặp Kỷ - Giáp hợp, toạ tháng Tuất thì sẽ dễ bị hợp thành thổ cục. Mệnh này hoả thổ rất vượng, Canh căn khí lại không vững. Về mặt ngũ hành là mất căn bằng: táo thổ vượng đến cực, phản lại không sinh kim mà lại chôn kim (khắc kim). Thân nhược. Ưu tiên hàng đầu phải dùng kim khí trợ Canh tiết khí thổ vượng. Hỷ nhất là gặp Thân Dậu, tức là Canh gặp căn khí, thì sẽ vững vàng, có khả năng tiết khí rất mạnh. Không nên gặp mộc khí. Nguyên cục thấu hoả, thổ cục lại được hoả trợ; gặp mộc khí rất dễ đến sinh hoả, hoả lại sinh thổ, thổ vượng càng vượng, kim càng bị tổn, bát tự lại càng thêm mất cân bằng.
Về mặt nhiệt độ và độ ẩm thì nóng và quá khô.
Do mệnh kỵ thổ nên người này kỵ tính với cha mẹ, có vấn đề nhẹ về tiêu hoá. Canh nhược có vấn đề về mũi, bị viêm xoang đã từng mổ. Khởi vận Quý Dậu, Nhâm Thân gặp Thân Dậu hỷ thần thấu thuỷ, kim gặp căn khí, lại có kim thuỷ tương sinh. Bát tự cân bằng hơn về ngũ hành, nhiệt độ, và độ ẩm nên là hai vận vô cùng thuận lợi.
-----
Ví dụ thực tế mệnh mộc thấu Tài Quan:
Khôn: Canh Ngọ - Mậu Dần - Ất Tỵ - Ất Dậu
1 tuổi khởi vận.
Đây là mệnh nữ tôi xem số đã lâu. Hiện nay không còn nhớ là ai để xin phép đăng bát tự. Nếu đương số có phật ý, tôi xin được lượng thứ.
Do dữ liệu cá nhân hạn hẹp, tôi tôi tạm lấy mệnh Ất sinh tháng Dần làm ví dụ cho phần này.
Mệnh Ất sinh tháng Dần đắc tiết. Bát tự thấu hai Ất, mộc hoả cùng đảng chế kim. Canh là Quan ở tháng Dần thất tiết, thấu xuất tuy có căn khí tại Dậu nhưng Canh – Dậu quá xa, đồng thời toạ Ngọ bị hoả chế nên Canh khó lòng chế Ất (2). Mậu thổ tháng Dần cần hoả thì đắc tiết. Mệnh cục có hoả, Mậu có căn khí tại Tỵ, Ngọ nên xem như thổ hậu (1). Do kim khó khắc phạt Ất mộc nên mệnh cục này chủ yếu lấy Mậu thổ làm trung tâm, dùng hoả đến sinh trợ cho thổ. Mừng nhật chủ Ất toạ Tỵ là toạ hỷ thần, thành ra ám sinh cho Tài Mậu thổ.
Năm 2012 vận Ất Hợi, niên Nhâm Thìn. Hợi xung Tỵ, phạt căn Mậu thổ trong Tỵ. Đồng thời Tỵ không thể thông quan nên nhật chủ xoay sang khắc Mậu thổ. Ất Hợi là đất thuỷ mộc tương sinh đến sinh trợ cho mộc khí, lại thấu Ất là ba Ất khắc một Mậu (3). Niên Nhâm Thìn đến, Nhâm là thuỷ khí sinh mộc, Thìn là căn khí của Ất mộc, là kho của thuỷ. Ba Ất mộc lại càng được sinh, lại càng cường vượng, Mậu thổ lại càng bị khắc (4). Ất là anh chị em, đến khắc Mậu cung bào. Anh gặp nạn.
Chú thích:
(1): “thổ hậu đa phùng hoả”
(2): “qui kim vượng ngộ thu”, đã thích Thân Dậu thì không thích hoả khắc.
(3): “đông thiên thuỷ mộc phiếm”
(4): “danh lợi tổng hư phù”, có thể hiểu là danh lợi không tốt, hoặc cũng có thể hiểu là hành vận gặp hung bại, ứng vào mình hay ứng vào người thân cần xem xét tiếp.
Giáp Ất sinh cư Mão, kim đa vận cát tường; bất nghi trọng kiến Sát, hoả địa đắc y lương
(Giáp Ất sinh tháng Mão, gặp vận nhiều kim thì cát tường; không hợp có Sát lại thấy Sát, hoả địa thì gặp thuốc hay)
Câu 3: Kiến Lộc sinh đề nguyệt, Tài Quan hỷ thấu thiên, bất nghi thân tái vượng, duy hỷ mậu tài nguyên. Và câu 4: Thổ hậu đa phùng hỏa, quy kim vượng ngộ thu, đông thiên thủy mộc phiếm, danh lợi tổng hư phù. Hai câu này vốn là một cặp, cùng nói lên một ý: mộc vượng, hỷ bị tiết chế.
Trong khi đó câu 2: Dần Mão đa kim Sửu, bần phú cao đê tẩu, Nam địa phạ phùng Thân, Bắc phương hưu kiến Dậu. Và câu 5: Giáp Ất sinh cư Mão, kim đa vận cát tường; bất nghi trọng kiến Sát, hoả địa đắc y lương. Hai câu này lại là một cặp, cùng nói về một ý: mộc cường nhưng bị tiết chế thái quá nên thành ra nhược.
Về khái niệm cường – nhược, vượng – suy tôi đã trình bày ở câu 2.
Mệnh cục được đem làm ví dụ trong câu số 5 này là mệnh Giáp Ất sinh tháng Mão, và mối quan hệ chủ yếu được xem xét là quan hệ giữa nhật chủ và Quan Sát. Mệnh Giáp Ất sinh tháng Mão là chính xuân mộc nắm lệnh nên nhật chủ cường.
“Giáp Ất sinh cư Mão, kim đa vận cát tường”: Đối với mệnh cục thân cường như phía trên, hành vận gặp nhiều kim tức gặp Quan Sát là tốt. Chữ “đa” (nhiều) ở đây cần hiểu là kim có thế vững mạnh, ví dụ như thấu Canh, Tân thì cần gặp căn tại vận chi; hoặc Canh, Tân không hư phù; hoặc kim gặp nguyên thần sinh cho; hoặc đại vận cần dẫn động được kim ẩn tàng trong mệnh cục. Nếu được “kim đa” như vậy thì kim có sức lực có thể khắc chế bớt mộc vượng, giúp bát tự cân bằng hơn.
“Bất nghi trùng kiến Sát, hoả địa đắc y lương”: Đối với mệnh cục mộc thân cường, không phải cứ thấy Quan Sát kim là tốt. Ở đây cần làm rõ cụm “trùng kiến Sát”. Trùng kiến Sát là khi trong mệnh cục có hành kim vững mạnh có khả năng chế mộc, lại gặp (trùng kiến) tổ hợp đại vận lưu niên nghiêng hẳn về phía kim, làm kim vượt lên trên mộc thì mộc bị tổn thái quá, bát tự sẽ bị mất cân bằng. Hoặc như trong trường hợp đã bàn đến ở câu 2 là “nam địa phạ phùng Thân, bắc phương hưu kiến Dậu”. Tức là thân mộc cường, gặp kim cũng cường. Đến hành vận gặp Thân xung Dần, hoặc gặp Dậu xung Mão là mộc bị phạt căn (mất căn), trong khi kim càng vượng hơn, thành ra mộc cũng bị tổn thái qua, bát tự cũng bị mất cân bằng.
Ở đây cần làm rõ Sát không chỉ là để chỉ Thiên Quan gây hoạ; thường khi Thiên Quan vô tình (có tác dụng xấu) thì là Thất Sát, gọi tắt là Sát; nếu có tác dụng tốt thì gọi là Thiên Quan. Tuy nhiên Chính Quan cũng có thể bị gọi là Sát. Tức Chính Quan nếu có tác dụng tốt thì gọi là Chính Quan, gọi tắt là Quan. Nếu có tác dụng xấu thì xem nó là Quỷ, là Sát.
Vậy mộc cường thích chế, nhưng thế lực chế là kim không nên thái quá. Nếu thái quá thì phải chữa làm sao? Đó là phải gặp hoả: “hoả địa đắc y lương”; vì mộc sinh hoả thì hoả là một phe với mộc, cũng có thể gọi hoả là vệ thần (thần bảo vệ) của mộc. Tại sao là vệ thần? Vì hoả có khả năng khắc kim cứu mộc.
Đến đây cần phân biệt hai khái niệm trong trường hợp này. Thứ nhất là khái niệm “tử năng cứu mẫu” được đề cập trong Trích Thiên Tuỷ, thứ hai là khái niệm tương chiến (đánh nhau): hoả kim tương tranh, mộc t*o ương.
Tử năng cứu mẫu là một trường hợp phản cục. Lấy mệnh cục này làm ví dụ. Mộc bị kim khắc chế thái quá, thì có thể lấy hoả khắc kim, kim bị khắc sẽ không khắc được mộc nữa. Mộc sinh hoả, thì mộc là mẫu (mẹ), còn kim là tử (con). Hoả khắc kim cứu mộc, tức tử có thể cứu mẫu.
Vì sao hoả kim tương tranh thì mộc bị tổn? Vì mộc vừa sinh cho hoả, vừa bị kim khắc, thành ra mộc bị tổn cả hai đường. Tức là nói mộc mà gặp hoả kim tương chiến thì là hung hiểm.
Vậy có thể nói Tử năng cứu mẫu và Hoả kim tương tranh mộc tổn là hai lí luận mâu thuẫn nhau, vì rõ ràng là trường hợp trước thì cát lợi cho mộc, trường hợp sau thì hung hoạ cho mộc. Vậy cái nào đúng?
Thật ra Tử năng cứu mẫu và hoả kim tương tranh mộc t*o ương là hai mặt của cùng một vấn đề. Đó là vấn đề căn khí.
Nếu mộc có căn khí vững, thế cường, thì có thể áp dụng Tử năng cứu mẫu, tức dùng hoả chế kim cứu mộc. Nếu mộc không có căn khí vững thì không thể dùng phản cục Tử năng cứu mẫu, vì nếu dùng mộc sẽ gặp ngay trường hợp hoả kim tương chiến mộc t*o ương.
Như vậy ở câu 5 này “hoả địa đắc y lương” còn phải trước tiên phải xem mộc thế; tức là phải xem mộc có chịu được cùng lúc kim hoả tương chiến hay không. Thứ đến là phải xem bố cục mệnh cục để hiểu được khí thế toàn bàn. Như vậy mới biết được cát hung, ví dụ như mộc cường thì bị khắc tiết đến đâu, còn mộc nhược thì bị t*o ương đến đâu.
Tóm lại, câu 5 “Giáp Ất sinh cư Mão, kim đa vận cát tường; bất nghi trùng kiến Sát, hoả địa đắc y lương” luận sâu về mới quan hệ giữa nhật chủ và Quan Sát. Nếu thân vượng gặp Quan Sát hữu tình thì tốt. Nếu thân cường nhưng Quan Sát khắc phạt thái quá thì vô tình, là hung; trong trường hợp đó có thể dùng phản cục, lấy hoả khắc Sát cứu mộc. Điều kiện sử dụng phản cục Tử năng cứu mẫu thì phải nhìn căn khí và bố cục bát tự.
-----
Ví dụ thực tế:
Càn: Đinh Mão – Mậu Thân – Canh Dần – Bính Tý
Do dữ liệu cá nhân hạn hẹp, tôi lấy mệnh Canh sinh tháng Thân kiến lộc làm ví dụ thay cho mệnh mộc sinh tháng Mão của phần này.
Mệnh Canh sinh tháng Thân mạnh thu kiến lộc đắc tiết (1). Dần – Thân xung bạt căn: Canh kim căn cơ bất ổn. Mừng có Mão – Đinh – Mậu – Thân một đường tương sinh. Lại có thời trụ Tý quản chế Sát Bính. Mệnh thân thiên vượng, dụng thuỷ chế Bính là quan trọng nhất; kỵ Dần mộc, Giáp mộc phát động.
Vận Ất Tỵ Sát vượng (3); thấu Ất, phá nguyên lưu Mão – Đinh – Mậu là phản cục. Tuy nhiên Canh kim đắc căn tại vận chi Tỵ là có cứu. Do đã phản cục tại niên nguyệt trụ, nên thời chi Tý là hết sức quan trọng vì cần nó chế Bính hoả. Nếu nó không chế được Bính hoả thì sẽ dễ xảy ra hiện tượng toàn bàn phản cục.
Năm Giáp Ngọ, niên chi xung mất Tý thuỷ (4), ứng kì đến. Sát Bính vô chế, lại gặp Ngọ là Nhẫn của Sát Bính, là lộc của Quan Đinh. Bính gặp Ngọ, Quan Sát cùng gặp, là trùng kiến Quỷ (3). Toàn bàn phản cục, Quan Sát hỗn tạp. Niên can lại thấu Giáp sinh Bính, cừu thần phát động. Mộc hoả cùng khắc Canh. Do toàn bàn phản cục, tức toàn bàn vô tình với Canh, không cứu.
Chú thích:
(1) “Giáp Ất sinh cư Mão”. Ở đây mượn mệnh Canh sinh tháng Thân.
(2) “Kim đa vận cát tường”. Ví dụ này không bao gồm trường hợp này.
(3) “Bất nghi trùng kiến Sát”.
(4) “Hoả địa đắc y lương”. Mệnh mộc thì hoả là nhi (con), dùng tử cứu mẫu. Mệnh kim thì thuỷ là con. Đã hỷ thuỷ thì nếu thuỷ tổn là hung.
Hoả kỵ Tây phương Dậu, kim trầm phạ thuỷ hương; mộc thần hưu kiến Ngọ, thuỷ đáo Mão cung thương.
(Hoả kỵ đến Dậu phương Tây, kim bị chìm sợ nơi thuỷ vượng; mộc thần thì không nên thấy Ngọ, thuỷ đến cung Mão bị thương)
Trước khi tiến hành bình chú cho câu 6 này, tôi nhắc lại một chút về vòng trường sinh đã đề cập ở câu 3.
Vòng trường sinh gồm có mười hai vị trí: Trường Sinh, Mộc Dục, Quan Đới, Lâm Quan, Đới Vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng. Có nhiều quan điểm nhìn nhận cách ứng dụng vòng trường sinh. Quan điểm thứ nhất và phổ biến nhất là áp dụng âm dương, âm tử dương sinh, dương tử âm sinh. Quan điểm thứ hai là áp dụng âm dương hợp nhất, đồng sinh cộng tử, sử dụng tiến khí, thoái khí. Đối với quan điểm thứ nhất, vị trí Dưỡng được tính là vị trí xấu. Ngược lại với cách nhìn tiến khí, thoái khí, thì vị trí Dưỡng là tốt, tiến khí.
Ngoài việc áp dụng vòng trường sinh để tính tinh khí bẩm sinh (tiên thiên) của thiên can, còn có một quan điểm khác là áp dụng tứ thời với năm khái niệm vượng, tướng, hưu, tù, tử để tính tinh khí. Việc áp dụng tứ thời này cũng theo quan điểm âm dương đồng sinh cộng tử.
Đến câu thứ 6 này của Ngũ Ngôn Độc Bộ, chúng ta lại thấy rõ ràng tác giả theo quan điểm âm dương đồng sinh cộng tử. Lấy mộc làm ví dụ, Giáp mộc và Ất mộc ở đây sẽ sử dụng cùng một vòng trường sinh, đó là cách tính vòng trường sinh của dương can (tính thuận).
Quan điểm âm dương đồng sinh cộng tử trong cách tính tinh khí tiên thiên của thiên can được nhiều người áp dụng, trong đó phải kể đến một tác giả rất quen thuộc đối với giới hậu học Tử Bình tại Việt Nam là Thiệu Vỹ Hoa. Trong những cuốn sách viết thời kì đầu, Thiệu Vỹ Hoa sử dụng vòng trường sinh với quan điểm âm tử dương sinh, nhưng ở những quyển sách viết sau này, ông Thiệu đã đổi lại, sử dụng quan điểm âm dương đồng sinh cộng tử.
Vòng trường sinh ngoài việc được dùng để tính tinh khí thụ bẩm thiên can, còn được dùng như một hệ thống Thần Sát. Mười hai vị trí trong vòng trường sinh chính là vị trí của mười hai vị Thần Sát. Nổi bật trong đó là các vị trí Trường Sinh, Lâm Quan, Đế Vượng, Tử, Mộ, và Tuyệt. Ví dụ, Trường Sinh thuỳ tượng là sự bắt đầu mới; là cội nguồn; là sự sinh sôi liên không dứt; là êm đềm, dịu dàng. Chính vì vậy mà có câu nói Tài gặp trường sinh, ruộng điền vạn mẫu. Tuy không phải lúc nào Tài gặp Trường Sinh cũng ruộng điền thẳng cánh cò bay, nhưng qua đó chúng ta thấy được tính thuỳ tượng, tức việc sử dụng mười hai vị trí vòng trường sinh như mười hai Thần Sát.
Tôi lấy ví dụ vị trí Mộc Dục. Nó là sự tẩy rửa, lớn lên, tức nó ám chỉ sự thay đổi, cái mới lạ. Đồng thời khi xem tình duyên đôi lứa, nó là quan hệ tính dục nam nữ, là ham muốn xác thịt. Vậy tại sao Mộc Dục lại là quan hệ tính dục, ham muốn xác thịt, sự thay đổi, cái mới lạ và tâm lí thích cái mới lạ? Mộc mộc dục tại Tý, hoả thổ tại Mão, kim tại Ngọ, thuỷ tại Dậu. Tý Ngọ Mão Dậu là bốn vị trí của sao Đào Hoa.
Lý luận vòng trường sinh tôi chỉ phân tích đến đây, vì đã đủ để làm tiền đề phân tích câu số 6 này.
Trong câu 6 này, tác giả sử dụng cả hai chức năng của vòng trường sinh: tính tinh khí tiên thiên đồng thời sử dụng thuỳ tượng Thần Sát. Vị trí của vòng trường sinh được đề cập là vị trí Tử. Hoả kỵ Tây phương Dậu: âm hoả dương hoả trường sinh tại Dần, đến Dậu là Tử. Kim trầm phạ thuỷ hương: “thuỷ hương” là vị trí thuỷ đắc địa, vượng nhất, cũng là cung Tý. Âm kim dương kim trường sinh tại Tỵ đến Tý là Tử. Mộc thần hưu kiến Ngọ: âm mộc dương mộc trường sinh tại Hợi, đến cung Ngọ là Tử. Thuỷ đáo Mão cung thương: âm thuỷ dương thuỷ trường sinh tại Thân, đến Mão là Tử.
Lấy mộc làm ví dụ. Mộc tại cung Dậu là đến vị trí Tử, là thất lệnh (không được nguyệt lệnh), tức tinh khí của nó yếu kém, bạc nhược, như người đã chết, không còn sinh khí mà chỉ còn thể xác; đồng thời gặp Tử (thần sát), như gặp tử thần, có nhiều nguy nan, tai nạn, khốn khó.
Manh Phái có một “bí quyết” phổ biến đó là kim trầm gặp thuỷ hương thì vào tù. Đó cũng bắt nguồn từ chữ Tử của vòng trường sinh. Ở đây tôi lặp lại một ý phía trên đã đề cập, đó là không phải cứ kim trầm gặp thuỷ hương thì vào tù, mà nó chỉ là cái tượng nguy hiểm, kiếp nạn thương thân. Còn nó ứng vào việc gì, ứng vào ai, phải xem bố cục bát tự, tổ hợp niên vận, cũng như áp dụng nhiều kĩ thuật luận đoán khác nhau.
Tại sao vị trí Tử lại là tai nạn thương thân, hung hiểm. Vì nó chính là vị trí Tai Sát. Ở đây cần nhấn mạnh, chữ "Tử" chỉ là thuỳ tượng, tức là nó mang tính ước lệ. Điều này không có nghĩa là gặp nguyệt lệnh đất Tử thì nhật chủ tinh khí suy kiệt, đồng thời không có khả năng tiếp nhận tinh khí phù trợ, tức là mệnh cực nhược rất xấu. Quan điểm này chưa nhìn đến vấn đề bố cục bát tự và căn khí, như ví dụ thực tế tôi sẽ phân tích bên dưới.
Như vậy trong câu thứ 6 này, tác giả Ngũ Ngôn Độc Bộ đề cập đến một vị trí quan trọng và nổi bật trong vòng trường sinh: Tử. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy quan điểm sử dụng vòng trường sinh của tác giả là âm dương đồng sinh cộng tử. Ngoài việc sử dụng vòng trường sinh để tính tinh khí tiên thiên, tác giả còn dùng nó như một hệ thống mười hai Thần Sát để luận cát hung.
-----
Ví dụ thực tế:
Càn: Tân Mùi – Giáp Ngọ - Ất Mão – Quý Mùi
Hai tuổi khởi vận
Đây là mệnh nam tôi xem số đã lâu. Hiện nay không còn nhớ là ai để xin phép đăng bát tự. Nếu đương số có phật ý, tôi xin được lượng thứ.
Mệnh Ất sinh tháng Ngọ là Tử, thất lệnh. Mừng Ất toạ lộc tự vượng, lại gặp căn khí tại niên chi, thời chi: mộc cường. Hai bên trái phải thấu Giáp sinh Quý trợ. Theo bố cục bát tự, Ngọ hoả ở vị trí thuận lợi, tiết khí thái quá mộc, lại thấu Tân tổn Giáp. Tân tại tháng Ngọ tuy thất tiết (hoả khắc kim, kim tử) nhưng toạ Mùi ám hoả là địa tái (địa tái: được địa chi chở thì có lợi; thiên phúc: được thiên can che thì có lợi), lại thêm kim khí có chút đặc biệt, nó sinh tháng Ngọ tuy bị khắc là thất tiết, nhưng cũng là nơi tiến khí (kim cần hoả rèn mới thành khí), thành ra nó vẫn có sức lực mà đi khắc Giáp. Bây giờ nhìn lại, Ất được Quý sinh, mà Quý vô căn, toạ Mùi là hư phù. Ất được Giáp trợ, mà Giáp bị Ngọ tiết, lại bị Tân khắc. Cuối cùng kết luận mệnh này tuy cường, nhưng tinh khí nó suy. (Chú ý khái niệm cường – nhược, vượng – suy tôi đã giải thích và phân biệt rõ ở câu 2.)
Người này trước năm 12 tuổi, tức vào đại vận đầu tiên Quý Tỵ, sức khoẻ kém, kinh tế gia đình kém, nhưng học giỏi.
Ở phần này tôi chỉ sử dụng đơn thuần luận vượng suy ngũ hành, cung tinh, cùng các thần sát thường thấy để luận, không dùng các kĩ thuật khác như phi cung, hay phi tinh. Tức tôi chỉ luận trên thực bàn bát tự, không luận trên hư bàn phi cung Manh Phái.
Học giỏi: Ất toạ Mão là Lộc thần. Lộc thần là văn chương. Nguyệt lệnh Ngọ là Xương Khúc nhị văn thần, niên chi Mùi là đất Mộ. Ngọ hợp đến Mùi là văn thần khoa bảng nhập mộ hoặc nhập trạch. Tức người này có mộ tổ phát thư hương hoặc ngôi nhà của tổ tiên hoặc nhà cha mẹ phát thư hương. Đây là một phần kỉ thuật luận trạch mộ qua bát tự. Cách xác định cụ thể là tổ mộ, tổ trạch hay lão gia phát thư hương tôi không đề cập ở đây, vì phần này tôi vẫn đang nghiệm lý; tuy có thấy nhiều trường hợp ứng nghiệm, nhưng vẫn chưa thu thập đủ nhiều lá số nghiệm lý nên tôi vẫn chưa dám khẳng định kỉ thuật này là đúng.
Sau khi nhìn thần sát, còn có một phần rất quan trọng là phải xem đương số có hưởng được hay không. Tức phúc nhà, phúc bản thân thì có mà mình có số hưởng hay không có số hưởng. Đương số có thể hưởng được Lộc Thần và Xương Khúc này nên người này học giỏi.
Kinh tế gia đình kém: Ngọ đất Tử lại là Thực Thần, là cái miệng ăn tai hại. Ngọ đến hợp Mùi là đất Tài kỵ thần, trợ Tân khắc Giáp: hao tài. Đều là tượng kinh tế gia đình kém. Tuy nhiên Tài Mùi cũng chính là mộc kho, là tài khố. Vì sao là tài khố? Mùi thổ là Tài là kỵ thần, thì Tỷ Kiếp chế Tài chính là thần phát tài. Mùi chính là Tỷ Kiếp khố, được xem như một loại tài khố thứ cấp. Có khố rồi lại xem khố đầy hay khố vơi. Giáp theo Ngọ nhập khố chính là khố này có tiềm lực. Chứng tỏ trạch hoặc mộ chủ phát thư hương, thứ phát tài lộc, tuy nhiên Ngọ Mùi vẫn là kỵ thần tiết khí, thâu khí, chứng tỏ trạch hoặc mộ cách cục có chỗ bị phá, khó mà phát lớn.
Đó là luận mệnh. Bây giờ luận vận. Vận Quý Tỵ, Tỵ - Ngọ - Mùi hoả phương may nhờ thấu Quý, hoả một đường tương sinh đến Giáp mộc. Tuy nhiên Quý hư phù, nôm na xem như mười phần hung giải được hai, ba phần. Tuy nhiên ngũ hành không có điểm dừng, phong không tàng thì khí không tụ, thành ra cầu được chữ bình an đã là may mắn phúc dày.
Trong phần luận mệnh này tôi đã trình bày một số thần sát hay dùng, phương pháp dùng vòng trường sinh như hệ thống mười hai thần sát, một phần kĩ thuật xem trạch mộ, một phần kĩ thuật xem tài lộc, một phần kĩ thuật cung tinh, một phần kĩ thuật loan đầu trong bát tự. Đặc biệt có nhắc đến vấn đề xem thần sát ứng hay không ứng, mặc dù tôi không muốn nói sâu phần này. Đúng sai chưa bàn đến vì chắc chắn sẽ có người không hài lòng, kĩ thuật luận Tử Bình đến phần luận xuất thân, vận hạn sắc nét thì thiên biến vạn hoá, vô cùng thú vị nhưng cũng cực kì phức tạp. Tuy nhiên tôi hi vọng những phần kiến thức này có tác dụng gợi mở một chút linh quang, đối với anh chị em đồng đạo có trợ giúp.
Cuối cùng tuy không liên quan đến câu 6 của Ngũ Ngôn Độc Bộ, nhưng tôi cũng xin nói ở đây: do các kĩ thuật luận xuất thân, phú quý bần tiện, vận hạn sắc nét vô cùng phong phú và phức tạp, mong các anh chị em, đặc biệt là các anh chị em nào mới nghiên cứu nên lấy chính lí ngũ hành, âm dương, hỷ kỵ làm nền tảng quan trọng nhất để đánh giá các kĩ thuật mà mình có cơ duyên gặp được, để xem nó đúng hay nó có khuyết điểm. Đừng tham cái cao xa, huyền bí mà đi lầm, rời xa chính lí ngũ hành, âm dương, hỷ kỵ thì tai hại vô cùng, sẽ khó lòng luận Tử Bình được nữa.
Giải thích thêm cho phần thần sát vòng Trường Sinh.
Phía trước tôi cho rằng Mộc Dục mang một phần tượng của Đào Hoa vì nó chính là vị trí Đào Hoa. Ví dụ: Hợi Mão Mùi tam hợp mộc, Đào Hoa tại Tý. Xét vòng Trường Sinh, mộc trường sinh tại Hợi, mộc dục cũng tại Tý. Vì vậy mà mộc dục mang một phần tượng của Đào Hoa.
Như vậy nếu nói vị trí Tử mang một phần tượng của Kiếp Sát, ai tinh ý sẽ nhận ra điểm thiếu sót. Ví dụ, Hợi Mão Mùi mộc cục, Kiếp Sát của nó nằm ở chi Dậu, không phải chi Ngọ. Đây là chỗ tôi muốn giải thích thêm cho rõ, tránh nhầm lẫn.
Lấy mộc làm ví dụ. Mộc trường sinh tại Hợi, tử tại Ngọ. Tức là tại Ngọ, hành mộc đã là bại khí. Vậy Ngọ là Kiếp Sát của ai? Nó không phải là Kiếp Sát của mộc, mà là Kiếp Sát của thuỷ, nguyên thần của mộc (thuỷ sinh mộc). Đó là lí do tại sao vị trí Tử được tác giả chú trọng như vậy. Bởi vì tại Tử, hành bản khí hoá thành bại khí, còn nguyên thần của nó lại gặp Kiếp Sát. Hành bản khí đã lâm vào đất chết, lại không có nguyên thần sinh cho, tức là khó mà hoàn hồn, không còn bất kì sinh cơ nào.
Như vậy, tại Ngọ mộc Tử, nguyên thần thuỷ của nó gặp Kiếp Sát. Tại Dậu, hoả tử, nguyên thần mộc của nó gặp Kiếp Sát. Tại Tý, kim tử, nguyên thần hoả của nó gặp Kiếp Sát (nam phương hoả vượng, thổ tướng, kim tiến khí, một đường tương sinh, gặp Kiếp Sát phá cục). Tại Mão, thuỷ tử, nguyên thần kim của nó gặp Kiếp Sát.
Kiếp Sát này không phải là Kiếp Sát bản khí mà là Kiếp Sát nguyên thần.
-----
Câu 7: 土宿休行亥,临官在己富;南方根有旺。西北莫相逢。
Thổ tú hưu hành Hợi, lâm quan tại Tỵ cung; nam phương căn hữu vượng, Tây Bắc mạc tương phùng
(Thổ không nên đi đến đất Hợi, gặp lâm quan tại cung Tỵ; phương nam thì có căn mà vượng; đất Tây Bắc lại không nên tới)
Phía trước tác giả đã diễn giải vòng trường sinh của bốn hành: kim, thuỷ, mộc, hoả. Ở câu 7 này, tác giả đề cập đến sinh vượng của hành thổ.
Thổ tú: sao Thổ, là một cách nói để chỉ hành thổ.
Thổ tú hưu hành Hợi: thổ không nên đi đến đất Hợi là vì sao? Hợi là đất thuỷ vượng, mộc tướng, mộc lại được trường sinh, trong Hợi tàng mộc căn là Giáp. Vậy mộc tại Hợi có thế rất vững. Mậu Kỷ đến sinh tháng Hợi vốn thất tiết, sinh khí yếu ớt. Chỉ cần thấu mộc, thì mộc dựa vào thế của Hợi khắc phạt thổ rất nặng. Thành ra Hợi là đất bất lợi hàng đầu của thổ.
Lâm quan tại Tỵ cung: thổ trường sinh tại Dần là qui tắc cổ điển của Tử Bình. Cá biệt có lưu phái phân thổ thành hai loại khác nhau, một loại trường sinh tại Dần, một loại trường sinh tại Thân. Lại có trường hợp cho thổ trường sinh tại Tý. Vì vòng trường sinh của thổ là đề tài gây tranh cãi như vậy, nên tác giả dành hẳn riêng một câu để luận sinh vượng của thổ. Như vậy theo tác giả Ngũ Ngôn Độc Bộ, thổ lâm quan tại Tỵ, cũng tức là tác giả cho rằng thổ trường sinh tại Dần cung.
Nam phương căn hữu vượng: thổ vượng tại tứ quý Thìn Tuất Sửu Mùi, tuy nhiên công năng tại từng quý lại khác nhau, không bàn ở đây vì là vấn đề không liên quan. Trong bốn phương Đông Tây Nam Bắc, nếu phải chọn ra một phương thổ vượng nhất, thì đó là phương Nam, hoả vượng thổ tướng. Thổ tại phương Nam là gặp căn, vượng. Tại Tỵ lâm quan, tàng căn Mậu thổ. Tại Ngọ đế vượng, tàng căn Kỷ thổ. Tại Mùi có dư hoả khí sinh, Kỷ lại là bản khí của Mùi. Như vậy nam phương Tỵ Ngọ Mùi đều tàng chứa căn và tương sinh cho thổ.
Tây Bắc mạc tương phùng: Tây Bắc là Càn cung, Tuất Hợi toạ ở đó. Thổ đến đất Hợi đã diễn giải phía trên. Thổ đến Tuất vì sao cũng xấu? Thổ đến Tuất gặp căn khí vì Tuất bản khí là Mậu. Nhưng Tuất đã là cuối thu, trời đã trở lạnh. Tuất tuy là hoả khố, nhưng hoả tại khố vùi sâu cần được kích phát thì mới phát huy công năng. Mà dù cho hoả khố được kích phát, hoả tại mùa thu vẫn là đất tù, thất khí, tự mình yếu nhược; lấy nhược sinh nhược vẫn là nhược, trừ phi hoả là thực khí. Tuy nhiên thổ tại Tuất vẫn có sinh cơ tốt hơn ở Hợi, đó là điều dĩ nhiên.
Như vậy tóm lại, câu 7 Ngũ Ngôn Độc Bộ luận sinh vượng của hành thổ. Kỵ nhất của hành thổ là cung Càn, phương Tây Bắc. Tốt nhất cho hành thổ là phương Nam hoả vượng. Phương Đông tuy mộc vượng là Sát của thổ, nhưng đồng thời hoả tướng, chỉ cần hoả được kích phát thì sẽ phát huy đầy đủ công năng hoá mộc sinh thổ. Thổ tại phương Tây và phương Bắc đều thất tiết, kém.
Ở đây cần làm rõ, vòng Trường Sinh hoặc Tứ Thời đều chỉ phản ánh tinh khí thụ bẩm (tiên thiên) của thiên can. Muốn kết luận nhật chủ hoặc một can nào đó vượng hay suy cần phải làm một phép cân đo tinh tế, trong đó những dữ liệu đầu vào là tinh khí tiên thiên, căn khí, và bố cục bát tự. Mộc sinh tháng Hợi tuy rất bất lợi nhưng chưa chắc đã suy, Mộc sinh tháng Tỵ đắc lộc nhưng chưa chắc đã vượng. Đừng thần thánh hoá uy lực của vòng Trường Sinh hay Tứ Thời mà dẫn đến việc cân đo vượng suy bị sai lệch, vô cùng đáng tiếc.
-----
Ví dụ thực tế:
1. Mậu sinh tháng Dậu suy.
Càn: Ất Sửu - Ất Dậu – Mậu Ngọ - Bính Thìn
Mệnh này tôi xem vào năm 2013. Hôm nay thấy đương số gọi lại nhờ xem tiếp. Vừa đúng có mệnh Mậu sinh tây phương nên lấy làm ví dụ cho phần này. Xét ra thì có duyên thật vì bát tự mệnh thổ lại sinh tháng Dậu, Tuất, Hợi tôi hầu như không tìm được trong kho tư liệu. Đều do thói lười biếng, chỉ xem số mà không ghi lại vào tư liệu mà ra cả.
Mậu thổ sinh tháng Dậu thất tiết, thấu nguyên thần Bính, Bính tại tháng Dậu cũng thất tiết. Mậu Ngọ - Bính Thìn hoả thổ tương sinh nhưng xét ra mẹ - con cả đảng vẫn là thất tiết, có sinh cho nhau vẫn là lấy nhược sinh nhược. Mừng Mậu gặp Ngọ - Thìn đều là đắc căn, vững. Mệnh thấu hai Ất thất tiết, nhưng đắc căn tại Thìn, có lực khắc Mậu. Dậu vô tình. Thân nhược.
Vận Giáp Thân lơ là việc học: Giáp - Ất - Ất Quan Sát hỗn tạp. Giáp tuyệt xứ phùng sinh, tải thêm hai Ất, thân nhược càng nhược. Vận Quý Mùi học tốt: Mậu – Quý – Bính – Ngọ – Mùi thổ cục, thân chuyển vượng, Ất Sát từ kỵ chuyển hỷ lại đắc căn có lực tại Thìn Mùi. Vận Nhâm Ngọ kiếm tiền được, tiêu tiền cũng lắm: Ngọ - Ngọ - Mậu – Bính – Thìn thân vượng. Thấu Nhâm vô căn, gần như hư phù. Nhâm trợ mộc chế thân, tuy nhiên Mộc thổ tương tranh Nhâm t*o ương.
Ví dụ phía trên còn có thể minh hoạ cho tác dụng tại vị trí Tử của vòng Trường Sinh. Nguyên thần gặp Kiếp Sát.
2. Mậu sinh tháng Tuất vượng.
Càn: Đinh Mão – Canh Tuất – Mậu Thân – Nhâm Tuất
Mậu sinh tháng Tuất Càn cung, bất lợi theo lời tác giả. Tuy nhiên tháng Tuất vẫn tính đắc căn. Đinh – Mão – Tuất hoả cục, Mậu lại đắc căn tại nhật, thời chi. Tài Nhâm đắc tiết, căn khí tại Thân, Canh kim gốc vững nhưng bị hoả khắc khó lòng tú khí thổ. Thân Mậu vượng. Dụng kim thuỷ.
Người này mập, tóc xoăn, mắt sáng. Gia đình cha mẹ kinh tế khá giả, vợ đẹp, hiện đã có hai con khoẻ mạnh, người con thứ hai sinh năm nay 2016. Đường học vấn chậm chạp. Năm nay 2016 vẫn đang theo học cao đẳng quản trị kinh doanh bằng cấp quốc tế, đồng thời học CFA (tài chính).
Ví dụ phía trên minh hoạ cho kỵ thần tại cung Phụ Mẫu nhưng cha mẹ không nghèo hèn. Lý do xin tự suy xét.
Âm nhật triều dương cách, vô căn nguyệt kiến Thìn, Tây phương hoàn hữu quý, can phạ hoả lai xâm.
(Cách cục Âm Nhật Triều Dương, không có căn tháng là chi Thìn, hoặc gặp phương Tây cũng quý, can Tân sợ hoả đến khắc)
Câu này còn có bản ghi là “Minh nhật triều dương”. Sau khi tra cứu, cụ thể là dùng quyển Tam Mệnh Thông Hội của nhà xuất bản Thời Đại, đồng thời tham khảo các trang mạng tiếng Trung về Tử Bình, tôi nhận thấy cách ghi “Âm nhật triều dương” chính xác hơn.
Thế nào là “Âm nhật triều dương cách”?
Âm nhật là ngày âm, tức ngày lục Tân; ý chỉ các bát tự có nhật can Tân. Triều dương tức giờ Mậu Tý. Tý là giờ cực âm sinh dương, lại thêm tượng Mậu ám hợp Quý trong Tý là hoả cục, thành ra gọi triều dương, tức là khí dương chưa hiển hiện rõ ràng, mà còn ẩn tàng, đang có xu hướng đi lên.
Âm nhật triều dương có hai cách quý: nên có căn khí, hoặc nếu không có căn khí thì nên gặp tháng Thìn.
Để hiểu hỷ kỵ của cách Âm nhật triều dương, cần hiểu vấn đề thực và hư ngũ hành trong bát tự.
Bát tự có bốn trụ: niên, nguyệt, nhật, thời. Trong đó niên nhật là hư ngũ hành, nguyệt thời là thực ngũ hành. Tại sao gọi là thực ngũ hành? Vì chỉ có nguyệt trụ (tháng) và thời trụ (giờ) mới phản ánh sự tuần hoàn của ngũ hành trong trời đất. Đối với tháng, có xuân hạ thu đông. Xuân mộc vượng, hoả tướng, kim tù, thuỷ hư, thổ tử; hạ hoả vượng, thổ tướng; thu kim vượng, thuỷ tướng; đông thuỷ vượng, mộc tướng. Đối với ngày, có sáng trưa chiều tối. Sáng mộc vượng, hoả tướng; trưa hoả vượng, thổ tướng; chiều kim vượng, thuỷ tướng; tối thuỷ vượng, mộc tướng. Chính vì vậy nguyệt trụ và thời trụ nắm vai trò điều hoà khí hậu chủ yếu trong bát tự. Đó cũng là lí do dụng thần đắc khí, đắc thế, đắc địa tại nguyệt trụ và thời trụ thường có sức mạnh to lớn hơn, và bát tự thường được đánh giá là quý hơn so với những vị trí khác.
Điển hình cho tư tưởng này có Thời thượng nhất vị quý, và Qui lộc là hai khái niệm thường thấy dựa trên tầm quan trọng của trụ giờ.
Đó là xét về mặt ngũ hành. Dĩ nhiên trường hợp Thời thượng nhất vị quý và Qui lộc còn có thể biện luận dựa vào công năng thu cục của thời trụ. Tượng loại của thời trụ là lão niên, tức là về già. Lão niên là thời gian “thu cục” của cả một đời người. Thời thơ ấu cha mẹ giàu sang, chưa chắc đã là quý, còn nhìn sự nghiệp bản thân. Hai mươi tuổi tự lập nghiệp giàu sang hơn người chưa chắc đã là quý, còn nhìn vợ. Ba mươi lăm tuổi giàu sang hơn người, vợ đẹp giỏi, chưa chắc đã là quý, còn nhìn con. Năm mươi tuổi giàu sang hơn người, vợ đẹp giỏi, con cái ngoan ngoãn, thành đạt, chưa chắc đã là quý, còn nhìn sức khỏe của bản thân và sự hiếu thảo của con cái khi mình về hưu, không làm ra tiền. Trăm năm đời người, đến cuối cùng mới biết ai là người cười, ai là kẻ khóc. Vì vậy thời trụ được xem trọng hơn những trụ khác một chút.
Ở đây tôi chỉ dùng ngũ hành hư thực để biện luận Âm nhật triều dương cách. Tân kim sinh giờ Tý hưu địa, thất thời. Mừng Mậu thấu tại Tý. Mậu - Quý ám hợp, Mậu thổ ẩm sinh kim. Xem như thuỷ ám có tình mà kim được lợi. Tý là đất giả trường sinh của Tân kim (biện luận theo lối sử dụng vòng Trường sinh âm tử dương sinh); thấu Mậu thì từ hư chuyển thực, giả trường sinh thành thật trường sinh. Mậu tại Tý thất thời nên không thể làm tổn hao Tý thái quá, lại có Tân kim thông quan. Tý tưởng là tiết kim, nhưng lại ám sinh; Mậu nghĩ là tổn thuỷ nhưng lại thông quan; giờ Tý xem là âm cực thịnh, nhưng Mậu – Quý lại ám sinh dương khí. Cục này do đó mà đạt được sự cân bằng vi diệu.
Tuy nhiên, dùng thời trụ biện ngũ hành, Tân giờ Tý thất thời, Mậu cũng thất thời, chỉ nhìn thời trụ thì rõ ràng nhật chủ Tân suy. Nên tốt nhất vẫn là gặp Tây phương Thân Dậu, hoặc nếu bát tự tứ trụ kim vô căn thì cần trợ Mậu sinh kim, nhưng đồng thời cần phải đảm bảo Mậu thổ không khắc phạt Tý thuỷ thái quá. Do đó hỷ sinh tháng Thìn, Mậu thổ đương lệnh, Mậu thấu từ thuỷ khố Thìn thì dễ dung thuỷ.
Thành ra mới có câu “Âm nhật triều dương cách, vô căn nhật kiến Thìn, Tây phương hoàn hữu quý”.
Bây giờ lại chú thích “can phạ hoả lai xâm”. Tân kim lấy hoả làm Quan Sát, sợ hoả đến làm hại, theo Tam Mệnh Thông Hội giải thích thì Mậu - Quý ám hợp hư hoả; lấy hư hoả làm quý (mệnh Tân kim, Bính hoả là Quan) thì sợ hoả điền thực. Ở đây tôi giải thích theo thực ngũ hành, không luận hư thực.
Giả sử cục Âm nhật triều dương gặp Tây phương, kim trong cục vượng, hỷ lấy Tý thuỷ tú khí, hoặc hoả chế kim khí làm quý khí. Hoả thuỷ đều là hỷ dụng. Tuy nhiên gặp Ngọ hoả thì sẽ xung Tý. Quý khí – tú khí tương xung, lẫn nhau khắc phạt, hỷ không ra hỷ, dụng không ra dụng, còn gì là quý? Đây là trường hợp dụng thần trở mặt thành hung. Hoặc nếu gặp Bính Đinh thấu can, có Mậu hoá thì Tân vượng càng vượng, Mậu đắc hoả khí khắc phạt tú khí Tý thuỷ; hoả khí lúc này cũng trở mặt, không chế kim mà lại ám sinh kim. Thân vượng, tú khí bị chế thì nguyên khí trì trệ.
Lại giả sử cục Âm nhật triều dương không gặp Tây phương, tức trong bát tự không có căn kim. Tân nhược cần phù trợ. Gặp Ngọ hoả xung Tý, Mậu thổ đắc hoả thế khắc phạt Tý thuỷ, toàn cục chỉ có một điểm kim khí tại nhật chủ thì Tý thuỷ không có cứu, phá cục. Lại tuỳ vào bố cục bát tự mà xem có phải trường hợp thuỷ - hoả tương tranh kim t*o ương hay không. Dù có hay không thì trong trường hợp này, Tân kim vẫn tính là được Mậu sinh cho thành ra vẫn không quá xấu. Tuy nhiên đã có tiêu chí thị phi, con cái gặp nạn. Hoặc nếu gặp Bính Đinh thấu can được Mậu thổ hoá thì thường là tốt, không phải xấu; tuy nhiên muốn biết cụ thể tốt hay xấu lại phải áp dụng các kĩ thuật như thiết nhập mệnh cục, cung tinh, và động tĩnh.
Qua việc luận cục Âm nhật triều dương, dễ thấy việc chỉ dùng một vài chữ trong tám chữ bát tự tạo thành kì cách dị cục rất mông lung, thâm ảo. Muốn ứng dụng luận cát hung của kì cách dị cục cần phải nắm vững các điều kiện kèm theo, mà thường đối với một kì cách dị cục, điều kiện kèm theo có hai, ba, thậm chí là bốn cái. Lấy Âm nhật triều dương chẳng hạn, là ba cái. Vậy nếu học một trăm cục thì phải học kèm ít nhất hai trăm điều kiện, là một khối lượng kiến thức khổng lồ, chưa kể có cục không thể dùng chính lý âm dương, ngũ hành để lý giải thì nói chi đến việc tìm ra điều kiện đi kèm.
Trước sau gì cũng phải dùng chính lý âm dương, ngũ hành để biện giải các điều kiện kèm theo từng kì cách. Vậy tại sao không trực tiếp dùng âm dương, ngũ hành để luận mệnh? Xem như là phản phác quy chân vậy.
Qua câu tám này, bằng việc mượn dùng một cách cục đặc biệt là Âm nhật triều dương, tác giả Ngũ Ngôn Độc Bộ đề cập đến các vấn đề ngũ hành hư thực, khí hậu, và minh ám. Trong đó, thực hư và minh ám là các vấn đề hết sức thâm ảo trong Tử Bình, hầu như là bí truyền trong nội bộ từng môn phái. Điển hình trong số các tác giả có sách tại Việt Nam, Lý Cư Minh luận minh ám khá rõ. Tuy nhiên các yếu quyết đều đã được giấu đi. Để đọc, tập hợp các luận điểm, lý luận ngược dòng để nội suy ra hệ thống lý luận về minh ám cần có căn cơ vững chắc về Tử Bình mà đặc biệt là về cung tinh, đồng thời cần một lượng thời gian rất lớn để tra chéo các tài liệu liên quan.
Đối với vấn đề minh ám và hư thực tôi cũng chỉ nắm được một phần da lông, vẫn chưa tính là nhập môn, thành ra việc bình chú câu tám này tôi cảm thấy khó khăn gấp hai, ba lần so với các câu phía trước.
-----
Ví dụ minh hoạ:
Âm nhật triều dương là cách cục hiếm nên phần này tôi mượn hai ví dụ của ông Hoàng Đại Lục để luận. Phần này do bác Thientam đăng tại diễn đàn Huyền Không Lý Số. Ở phía dưới, những phần tôi in nghiêng là trích nguyên văn (có thay đổi thứ tự một chút).
Càn tạo 1 (Châu Chi Bình): Mậu Tý – Tân Dậu – Tân Dậu – Mậu Tý
Châu Chi Bình, tự Hạc Cao, đậu tiến sĩ năm Gia Tĩnh thứ ba mươi tám (1559). Được bổ nhiệm làm Tri huyện Lật Thuỷ (Nam Kinh), sau thành Tri phủ Cát An (Hoa Liên). Có công dẹp loạn ở phủ Cát An. Đời làm quan của Châu Chi Bình rất hanh thông. Ông đảm nhiệm rất nhiều chức vị, công việc khác nhau như Bố chánh sứ, Lang Trung chuyên coi việc khảo thí ở bộ Lại, Nam Kinh.
Càn tạo Châu Chi Bình được ông Hoàng Đại Lục làm ví dụ cho mệnh vô Tài, vô Quan nhưng vẫn làm quan, vẫn phú. Hoàng Đại Lục: “Mệnh vô Tài, vô Quan thì không phải mệnh phú quý, phải không? Không phải vậy. Tân nhật sinh giờ Mậu Tý cấu thành Lục âm triều dương cách. Tý thuỷ có thể ám hợp Quan tinh hoả Ẩn trong Tỵ mà đắc quý. Đại vận phương Bắc lại không thấy Quan Sát phá cách, cho nên mệnh chủ văn chương siêu quần, xuất thân là tiến sĩ, làm quan đến chứ Bố chánh sứ tỉnh Giang Tây.”
Càn tạo thứ hai được bình: Bát tự có Ngọ hoả Sát tinh, phá cách. Cho nên mệnh chủ là một lão nông nghèo khổ.
Thiên Khánh bình: Vốn dĩ Lục âm triều dương cách đã có thư hương khí trong người. Ngày Tân, giờ Mậu Tý, Tý là Văn Xương văn thần, lại ám hợp Ấn tinh mà sinh cho Tân thì ôm văn khí vào người.
Mệnh ông Châu Chi Bình thân toạ Dậu là Lộc tinh, cũng là văn tinh, đắc hai Tý tú khí tại niên thời. Thân vượng, toạ lộc văn thần, tú khí cũng là văn thần, kim-thuỷ hàm tiếp, thì tinh hoa phát lộ, văn khí lộ ra ngoài. Điều đặc biệt là tuy thấu hai Mậu nhưng có Tân kim thông quan, thành ra Tý thuỷ dụng thần xem như vẹn toàn, tháng Dậu giờ Tý thì thuỷ có lực. Tú khí vốn là sáng tạo, lao động. Vậy mệnh này là lao động về mặt văn chương, nghệ thuật. Lộc tinh còn là quý tinh (công danh), Ấn thụ là cơ quan, cũng là quyền lực. Vậy thì Lộc Ấn cùng gặp, phải là mệnh quan. Ở đây có thể tranh luận Ấn là kỵ thần thì làm sao nói là đắc Ấn? Có điều phải nhìn lại, Ấn Mậu ám sinh Tý thuỷ tú khi văn thần.
Mệnh vô Quan mà lại làm quan, chủ yếu dựa vào Lộc Ấn. Vậy nó có đặc điểm là gì? Đó là tính sát phạt không đủ, khó làm đến lãnh đạo đứng đầu triều đình hoặc hình sát. Chủ yếu qua tóm lược cuộc đời, vẫn thấy ông làm quan ở những vị trí văn chương, hành chính hoặc sát hạch văn chương là đỉnh cao sự nghiệp, ứng với mệnh lao động về mặt văn chương, nghệ thuật.
Càn tạo thứ hai, ông Hoàng Đại Lục luận mệnh là nông dân vì niên chi toạ Ngọ hoả phá cách, tôi cho là có phần gượng ép.
Tân – Thân – Dậu tây phương kim cục, kim vượng. Thời chi toạ Tý tú khí. Niên chi toạ Ngọ hoả đáng lẽ chế kim khí, nhưng bát tự mùa thu lại ban đêm, Ngọ hoả có thể xem nôm na như bị Tý xung xa mà tán mất. Hoả lại không gặp mộc, thì nguyên thần không có. Hành vận gặp Bính Đinh không luận quý mà luận tổn Tài (xem phía dưới), gặp Dần Mão trợ hoả thì đã ngoài sáu mươi. Xem như vô duyên quan trường.
Nhưng điểm xấu nhất của bát tự không phải tại Ngọ hoả, mà tại nguyệt trụ thấu Chính Tài Giáp. Giáp thất tiết, vô căn thấu tại kim cục, hai bên trái phải lưỡng thấu kim khí khắc phạt, nên không thể luận tuyệt xứ phùng sinh. Giáp Tài tứ cố vô thân, bị khắc phạt, mộc lại không thấy thuỷ, xem như Tài mộc tận diệt, vậy là mệnh bần cùng.
Mệnh Châu Chi Bình hành vận khởi Tây Bắc sang Bắc, là hưởng trọn tú khí. Hành vận có thấu Tài thì Tài vẫn không thể bị khắc tán mất, do lực bát tự sinh khắc niên vận yếu. Mệnh tạo thứ hai hành vận khởi Tây phương phá Tài; sau đó lại hành Tây Bắc hoả - kim tương tranh mộc t*o ương (ở đây giải thích cho phần mở ngoặc phía trên). Hành đến đất Đông Bắc và Nam, Tài mộc trát căn thì lại gặp Tân Canh cái đầu. Sáu mươi năm, hết bốn mươi năm phá Tài, đặc biệt là về già càng gặp phá tài. Vậy bần cùng vẫn hoàn bần cùng.
Cho nên tôi cho là điểm xấu nhất trong mệnh cục thứ hai không phải toạ Ngọ hoả phá cục, mà thấu Giáp bị khắc tử.
Mệnh tạo thứ hai vô duyên quan trường, lại dùng thuỷ mộc, lấy Nhi sinh Tài, ngành nghề tự do. Xem như làm nông dân (mộc là chủ yếu) thì hợp mệnh vậy.
Ất mộc sinh cư Dậu, mạc phùng toàn Tỵ Sửu; phú quý Khảm Ly cung, bần cùng Thân Dậu thủ.
(Mệnh Ất sinh tháng Dậu, không nên gặp thêm toàn Tỵ Sửu trong nguyên cục; muốn xem phú quý thì chọn cung Khảm, cung Ly; muốn xem bần cùng thì nhìn cung Thân, cung Dậu)
Nếu ở câu 8 tác giả dùng cách cục Âm Nhật Triều Dương để giới thiệu vấn đề ngũ hành minh ám, thì ở câu 9 này, tác giả đề cập đến một loại hình minh ám khác, dễ nhận biết và ứng dụng hơn: nhân nguyên tàng chi.
Đầu tiên lại xem bố cục bát tự được đem ra làm ví dụ cho câu 9 này: vẫn là mệnh mộc, mà ở đây là Ất mộc, sinh tại tháng Dậu.
“Ất mộc sinh cư Dậu, mạc phùng toàn Tỵ Sửu”: Ất mộc sinh tháng Dậu kim vượng, tức Sát trọng, tức Ất mộc thất lệnh. Lúc này sợ địa chi lại toạ thêm Tỵ Sửu, hình thành tam hợp Tỵ - Dậu - Sửu kim cục, Sát quá trọng mà thân quá nhược. Ất mộc là âm can, nếu có thể tòng Sát thì cơ bản có thể được xem là quý mệnh, nếu không thể tòng Sát thì có nghĩa bát tự có tám chữ mà đã có hết ba chữ là kỵ thần thì xấu. Chưa kể nguyệt chi Dậu là trung thần của tam hợp Tỵ - Dậu - Sửu, tức kim cục hợp đến nguyệt chi, là hợp đến cung bào (anh em), môn hộ (gia đạo), và tuỳ bố cục có thể xem là cung phụ mẫu. Mệnh như vậy thì gia đạo không yên ổn, quan hệ với anh em và tuỳ trường hợp là bạn bè, hay cha mẹ không giúp ích được cho sự nghiệp.
“Phú quý Khảm Ly cung”: đây là cách giải cứu cho mệnh ở trên. Mệnh Ất sinh tháng Dậu thì thường là thân nhược Sát trọng, vậy dùng ngũ hành đại pháp (ngũ hành sinh khắc chế hoá) để đưa bát tự về trạng thái cân bằng hơn. Mộc nhược bị kim tổn thì có thể dùng thuỷ thông quan tiết kim sinh mộc, hoặc có thể dùng hoả chế kim cứu mộc.
Cách thứ nhất dùng thuỷ thông quan là thường lý, tức tổn cái có dư mà bù cái không đủ (trong trường hợp này là dùng thuỷ tiết vượng kim, sinh nhược mộc).
Cách thứ hai dùng hoả là biến lý, còn gọi là phản cục; cụ thể ở đây chính là cách cục Tử năng cứu mẫu (con có thể cứu mẹ) được Trích Thiên Tuỷ đề cập. Mộc sinh hoả thì mộc là mẫu (mẹ), hoả là tử (con). Mộc mẹ bị kim tổn, lấy hoả con chế kim thì kim không thể tổn mộc được nữa. Vậy là Tử năng cứu mẫu. Tuy nhiên việc sử dụng biến lý như lấy độc trị độc, cần phải hết sức cẩn thận, nếu không sẽ rơi vào trường hợp hoả kim tương chiến mộc t*o ương. Tại sao là hoả kim tương chiến thì mộc t*o ương? Đó là vì mộc sinh hoả vốn là mộc bị tiết khí, kim lại khắc mộc vốn là mộc bị hao tổn. Bây giờ kim hoả gặp nhau mà chiến thì hoả kim đều động, đã động thì biến; vậy hoả càng có lực tiết mộc, kim càng có lực tổn mộc. Mộc vốn đã nhược, nay lại bị tiết, bị hao thêm thì hung.
Vậy khi nào có thể sử dụng phản cục? Đây là một phần rất quan trọng mà tôi thấy ít người đề cập. Tử năng cứu mẫu chỉ phát huy tác dụng khi mẫu (mà cụ thể ở đây là hành mộc) có căn khí. Có căn khí thì có thể chịu được hoả kim tương chiến. Tuy nhiên có lợi cũng có hại. Mộc một khi trát căn (mọc rễ) thì căn khí không thể bị hao tổn, nếu hao tổn tức là gặp địa chiến (chiến tại địa chi) thì càng xấu. Tại sao là càng xấu? Giả sử mệnh cục “Ất mộc sinh cư Dậu”, địa chi gặp Tỵ Sửu là tam hợp kim cục, không thấu Canh Tân kim thì kim không thể trực tiếp tổn Ất mộc. Bây giờ mộc trát căn mà gặp địa chiến kim – mộc thì kim khí lại trực tiếp tổn được mộc khí, là xấu càng thêm xấu.
Tiếp tục lấy mệnh Ất mộc sinh cư Dậu, địa chi gặp Tỵ Sửu làm ví dụ. Nguyên cục Ất mộc vô căn thì không bị kim khí khắc trực tiếp. Đại vận hành đến cung Mão thì Ất mộc trát căn. Mão vốn tương xung nguyệt lệnh Dậu tại nguyên cục, nhưng Mão là vận chi, tính vốn tĩnh, lại thêm Dậu nguyên mệnh khắc đại vận Mão thì lực yếu (có sách cho là không có lực khắc, tức là nguyên cục không thể sinh khắc chế hoá vận niên), thành ra sự xung khắc không lớn, xem như căn khí của Ất mộc được bảo toàn. Ất mộc trát căn thì bắt đầu có thể sử dụng phản cục Tử năng cứu mẫu, dùng hoả chế kim. Tuy nhiên nếu vận Mão lại gặp niên Dậu xung tán thì Ất mộc sau khi trát căn lại bị bạt căn, không những mèo vẫn hoàn mèo, mà niên Dậu xung vận Mão càng tạo điều kiện dẫn động kim khí trong nguyên cục trực tiếp khắc Ất mộc, thì Ất càng bị tổn hơn ban đầu. Thường thân nhược, trát căn lại bị bạt căn thì lấy hung mà luận.
Sẵn tiện tôi giải thích luôn một chút Manh Phái. Trong Manh Phái có lưu phái (nhấn mạnh: có lưu phái) phân biệt hoạt mộc (mộc sống) và tử mộc (mộc chết). Tử mộc là loại mộc vô căn. Lưu phái này thường luận tử mộc gặp trát căn thì hung. Tại sao trát căn thì hung? Đó là do khi trát căn thì tạo thêm cơ hội cho kim khí trong nguyên cục tổn mộc như đã giải thích ở trên.
Lại nói về Khảm Ly cung. Ở đây Khảm Ly có thể hiểu theo nghĩa rộng là thuỷ hoả, cũng có thể hiểu theo nghĩa hẹp là cung Khảm, cung Ly. Tại sao trọng thuỷ tại cung Khảm (Tý, Quý) mà không trọng thuỷ tại cung Càn (Hợi, Nhâm); trọng hoả tại cung Ly (Ngọ, Đinh) mà không trọng hoả tại cung Tốn (Tỵ, Bính)?
Phía trên tôi đã chú theo nghĩa rộng thuỷ hoả, ở đây tôi lại chú theo nghĩa hẹp Khảm cung, Ly cung.
Trước hết luận địa chi. Tại Khảm là Tý, tại Càn là Hợi. Dùng Hợi có cái hại là xung Tỵ trong nguyên cục. Mà Tỵ là gốc của hoả, đó là điều kiện hỗ trợ hoàn thành phản cục Tử năng cứu mẫu. Tức nguyên cục có Tỵ, Ất mộc trát căn, dụng hoả chế kim cứu mộc thì Tỵ lúc này có thể xem như một hỷ thần không hoàn bị, chứ không phải thuần tuý kỵ thần như trước đây, vì Tỵ trợ hoả khắc kim. Hợi xung Tỵ thì xung đi hỷ thần, tức hoả căn. Vì vậy dùng Tý an toàn hơn (trừ trường hợp nhị hợp với Sửu có dẫn thần hoá thổ; nhưng nhị hợp lại gặp dẫn thần là trường hợp hiếm hơn nhiều).
Tại cung tốn có Tỵ hoả. Nguyên cục vốn có Tỵ - Dậu - Sửu kim cục không hoá. Lúc này Sửu đến hợp với Dậu. Sửu là kim khố, có tác dụng thu kim, nói nôm na là nó có thể bao bên ngoài để bảo vệ Dậu kim. Nguyên cục có Sửu thâu kim khí, niên vận gặp Tỵ đến tranh hợp Dậu thì cũng không thể chế Dậu được vì Tỵ dẫn động Sửu bảo vệ Dậu. Manh Phái Đoàn Kiến Nghiệp gọi trường hợp này là khử không sạch vì gặp khố thu kim khí. Cho nên dùng Ngọ hoả sẽ tránh được trường hợp dẫn động Sửu thổ vệ kim. Dĩ nhiên còn phải chú ý đến từng tổ hợp bát tự cụ thể mà xem Tỵ, Ngọ tác dụng đến đâu.
Bây giờ lại luận thiên can. Tại Khảm cung có Quý thuỷ, tại Càn cung có Nhâm thuỷ. Nguyên cục có Quý thuỷ tàng tại Sửu thổ. Niên vận gặp Quý thuỷ thiết nhập mệnh cục (tham gia mệnh cục, chỗ này cần nắm kỉ thuật thiết nhập mệnh cục) thì sẽ dẫn động thiên nhân hợp nhất, tức niên/vận can Quý gặp căn khí Quý tàng trong Sửu sẽ có lực tiết kim. Nhâm thuỷ thiết nhập mệnh cục không gặp căn khí thì lực tiết kim yếu hơn.
Tại Tốn cung có Bính hoả, tại Ly cung có Đinh hoả. Niên vận gặp Bính hoả thiết nhập mệnh cục dĩ nhiên có thể khắc kim, nhưng thứ nhất Bính hỏa chế Tân kim không hiệu quả bằng Đinh hoả, do Bính hợp Tân, phu thê tương hợp thì lực khắc yếu. Thứ hai là Bính hoả nhập mệnh cục gặp thiên nhân hợp nhất tại chi Tỵ, tức gặp căn khí tại Tỵ, trong Tỵ có tàng Mậu thổ sinh kim, tức lực khắc kim của Bính hoả bị tước nhược. Dùng Đinh hoả vẫn đảm bảo lợi dụng được hoả căn tại Tỵ, lại không dẫn động Mậu thổ sinh kim. Dĩ nhiên, nhắc lại lần nữa, còn phải chú ý đến từng tổ hợp bát tự cụ thể mới biết Bính, Đinh nhập nguyên cục có tác dụng đến đâu.
Như vậy, vấn đề tổ hợp bát tự, hay còn gọi là bát tự bày bố là một vấn đề phức tạp, cần nhiều kinh nghiệm thực chiến (luận bát tự thực tế) để nắm được sự vận hành của những tổ hợp bát tự khác nhau. Phần “Phú quý Khảm Ly cung” này cũng cho thấy sự tinh tế trong việc chọn lựa dụng hỷ thần. Ví dụ dụng thuỷ thì là thuỷ gì, Nhâm Quý Hợi Tý hay Sửu? Dụng hoả thì là hoả gì, Bính Đinh Tỵ Ngọ hay Mùi? Dụng hỷ là hoả thuỷ thì khi nào thuỷ là dụng, hoả là hỷ; khi nào lại chuyển sang hoả là dụng, thuỷ là hỷ?
Việc luận tinh tế từng tổ hợp bát tự, cùng với việc cân đo tỉ mỉ dụng hỷ và tác dụng từng cung trong bát cung, từng nhân nguyên trong địa chi là nền móng để tiến tới luận bối cảnh xuất thân và vận hạn sắc nét. Đây là việc tôi vẫn còn phải thực tập và học hỏi qua từng lần thực chiến.
“Bần cùng Thân Dậu thủ”: dễ hiểu mệnh Ất sinh tháng Dậu, địa chi toạ thêm Tỵ Sửu vây kim thì thường là thân nhược Sát vượng. Hành vận hoặc địa chi gặp Thân Dậu thì kim quá nặng lại dễ dàng bạt căn mỗi khi mộc trát căn, thường luận là mệnh xấu.
Như vậy qua câu 9 “Ất mộc sinh cư Dậu, mạc phùng toàn Tỵ Sửu; phú quý Khảm Ly cung, bần cùng Thân Dậu thủ”, tác giả đề cập đến vấn để thuận cục, phản cục hay còn gọi là thường lý, biến lý của ngũ hành. Đồng thời nếu phân tích sâu hơn sẽ bắt gặp vấn đề cân đo tỉ mỉ bố cục bát tự, sự tinh tế khi tuyển chọn dụng hỷ, cũng như luận dụng hỷ biến hoá. Qua đó lại thấy có trường hợp kỵ thần không hoàn bị hoặc hỷ thần không hoàn bị, tức một cung nào đó không thuần tuý là kỵ thần, hoặc không thuần tuý là hỷ thần của mệnh cục.
-----
Ví dụ thực tế:
Càn: Giáp Tuất - Quý Dậu - Ất Sửu - Nhâm Ngọ
Đây là mệnh nam tôi xem số năm 2014, do chỉ xem sơ xài nên không có nhiều thông tin để nghiệm lý tại đây. Hiện nay không còn liên lạc với đương số để xin phép đăng bát tự. Nếu đương số có phật ý, tôi xin được lượng thứ.
Ất mộc sinh tháng Dậu (1) giờ Ngọ: thất tiết. Tứ trụ không có mộc căn, địa chi toạ Sửu Tuất thì Sát trọng (2), mừng toạ Sửu có tàng Quý thuỷ, lại thấu Quý thuỷ tại nguyệt trụ tiết Sát sinh thân. Dụng thuỷ. Ngọ hoả vừa tổn Nhâm nhưng cũng ám sinh Quý, thành ra là hỷ thần không hoàn bị.
Thời trụ Nhâm Ngọ là môn hộ, thuỷ hoả tương tranh, lại thêm hỷ dụng tương tranh thì trở mặt. Người ngày xuất môn (ra ngoài giao tế) nhiều thị phi, hao tài. Đây là ngược lại của câu “Phú quý Khảm Ly cung”, do dụng hỷ tương chiến thì từ cát chuyển hung. (3)
Vận Giáp Tuất mẹ mất: hai Tuất hình hoại Sửu, bạt căn Quý thuỷ. Tuất là mẫu cung, hình Sửu mà hại Quý là mẫu tinh, tức mẫu cung hại mẫu tinh. Đồng thời hai Tuất hại nguyên thần Dậu của Quý, hai Giáp tiết khí Quý, xem như Quý thuỷ tận diệt.
Càn: Quý Dậu - Tân Dậu - Ất Sửu - Tân Tỵ
Đây là mệnh Hứa Thế Anh, được ông Hoàng Đại Lục lấy làm ví dụ cho phần này, do bác Tamthien đăng ở diễn đàn Huyền Không Lý Số. Nay tôi luận lại cho rõ hơn và bổ sung thêm một số chi tiết.
Ất mộc sinh tháng Dậu (1), địa chi Dậu Dậu Sửu Tỵ vây kim khí (2), lại thấu Tân thì kim khí thái vượng. Tiếc Dậu – Dậu tương hình lại tranh hợp, lại sinh giờ Tỵ chế kim, niên trụ lại thấu Quý thuỷ đắc tiết, đắc địa, đắc thế tiết kim khí. Kim khí có chế có hoá hữu lực, thành ra không tòng kim. Dụng thuỷ hoả.
Vận Mậu Ngọ, niên Đinh Dậu xuất sĩ (ra làm quan): vận Mậu – Quý – Ngọ hoả cục chế kim. Niên chi gặp Dậu, nhập cục là ba Dậu tương hình, kim khí vượng động mà khắc mộc. Mừng niên thấu Đinh nhập cục chế Tân kim hữu hiệu (3), lại thêm niên vận thiết nhập mệnh cục tránh được phần lớn tình trạng hoả - kim tương tranh mộc t*o ương, lại thêm Ất giả trường sinh tại vận Ngọ, thành ra Sát có hoả chế mà xuất sĩ (3). Dĩ nhiên kim vượng, lại hình động chế mộc, mà nguyên cục trái phải thấu kim thì năm này dù xuất sĩ, vẫn phải chịu hao tổn ở mặt khác, tiếc là không thấy tài liệu đề cập.
Vận Mậu Ngọ, niên Đinh Tỵ thăng làm Bố Chánh Sứ tỉnh Sơn Tây: vận Mậu - Quý - Ngọ hoả cục chế kim. Niên chi thuần hoả nhập cục chế kim càng có lực (3). Năm này vẫn tránh được phần lớn tình trạng hoả - kim tương tranh mộc t*o ương như năm Đinh Dậu.
Niên Nhâm Tý (vận?) thăng làm Đại Lý Viện Trưởng, Bộ Trưởng Tư Pháp: Quý – Nhâm lưỡng Ấn hoá Sát (3), thuỷ - hoả lại không gặp nên tránh được trường hợp dụng hỷ tương chiến mà trở mặt.
Mấu chốt ở bát tự này là bày bố bát tự tránh được hoả thuỷ vị tế, đồng thời tổ hợp đại vận thuận lợi giúp giảm bớt tác hại của tình trạng hoả kim tương tranh mộc t*o ương khi niên vận thiết nhập mệnh cục.
Hữu Sát chích luận Sát, vô Sát phương luận dụng. Chích yếu khử Sát tinh, bất phạ đề cương trọng.
(Có Sát chỉ luận Sát, không có Sát mới luận Dụng. Chỉ cần khử Sát tinh, không sợ đề cương trọng.)
Trước khi luận tiếp câu 10, cần nhìn lại ngũ hành sinh khắc đã luận ở câu 4: Thổ hậu đa phùng hoả, qui kim vượng ngộ thu, đông thiên thuỷ mộc phím, danh lợi tổng hư phù.
Ở câu 4, tác giả đề cập đến quan hệ khắc tổn. Lấy nhật chủ hành mộc (Giáp Ất) gặp Quan Sát hành kim làm ví dụ. Kim khắc mộc thì có thể nói nôm na là mộc tổn bảy phần, còn kim tổn ba phần. Tại sao mộc tổn hơn kim? Vì kim khắc mộc là thuận khắc, thành ra kim được lợi hơn mộc.
Bây giờ xem câu 10.
“Hữu Sát chích luận Sát, vô Sát phương luận dụng”: câu này ý nói trong bát tự nếu gặp Quan Sát thì cần luận Quan Sát trước; khi bát tự không có Quan Sát thì mới luận dụng thần. Tại sao lại như vậy? Phía trên nhắc lại một phần nội dung câu 4, đó là mối quan hệ giữa Quan Sát và nhật nguyên. Quan Sát và nhật nguyên vốn là hai thế lực luôn đối lập nhau, nên khi Quan Sát xuất hiện, bát tự lập tức có xu hướng hình thành hai đảng phái đối lập, một đảng theo Quan Sát, một đảng theo nhật nguyên. Như vậy chỉ cần luận tương quan sức mạnh và lực lượng giữa hai đảng này là đã luận được thân vượng nhược. Cần nhớ đảng của Quan Sát luôn được lợi hơn, vì Quan Sát thuận khắc nhật chủ như đã giải thích phía trên.
Như vậy trong câu 10 này đề cập đến vấn đề kết đảng. Như thế nào là kết đảng? Thuận sinh thì thành đảng. Ví dụ nhật chủ là Giáp Ất mộc thì nó có thể kết đảng với Ấn thụ (thuỷ) và Tỷ Kiếp (mộc), hoặc nó cũng có thể kết đảng với Tỷ Kiếp (mộc) và Thực Thương (hoả). Quan Sát (kim) thì thường kết đảng với Tài (thổ). Vậy, lấy nhật chủ mộc làm ví dụ, chúng ta thường có các đảng sau: thuỷ - mộc chế thổ, mộc - hoả chế kim, thổ - kim chế mộc.
Bây giờ tôi thế chữ “chế” thành chữ “chiến”. Chúng ta có: thuỷ - mộc chiến thổ, mộc – hoả chiến kim, thổ - kim chiến mộc. Đây là các chiến cuộc thường thấy đối với bát tự sinh ngày mộc.
Đảng, hay kết đảng, là một cách phân tích bát tự ngắn gọn, khi bát tự có khí thế rõ ràng. Trong trường hợp này, cái khí thế rõ ràng đó được tạo ra bởi sự xuất hiện của Quan Sát. Vì vậy mà khi đọc sách, chúng ta hay thấy nói kim thành thế, mộc thành thế, thuỷ thành thế chẳng hạn. Thành thế tức có thế vững mạnh; đó là lúc nó kết đảng.
Đã kết đảng thì sẽ tạo thành chiến cuộc, tức là hai đảng đối lập nhau sẽ chiến với nhau. Chiến cuộc lại phân làm thiên chiến, địa chiến, thiên địa cùng chiến. Trong đó lại phân làm minh chiến, ám chiến. Ở đây tôi chỉ luận phần minh chiến của thiên chiến, địa chiến, và thiên địa cùng chiến cho đơn giản. Phần ám chiến tôi không luận ở đây, vì nhiều lí do, trong đó có việc các sách đề cập rất ít về vấn đề này, cho nên phần này tôi phải tự kiểm nghiệm, kết quả cuối cùng chưa chắc chắn nên tôi chưa muốn luận công khai.
Thiên chiến là chiến cuộc tại thiên can. Ví dụ mệnh mộc, bát tự thấu Tân hoặc Canh kết đảng. Địa chiến là chiến cuộc tại địa chi. Ví dụ mệnh mộc, bát tự toạ Dần Mão gặp Thân Dậu, hoặc toạ Mùi gặp Sửu. Thiên địa cùng chiến là chiến cuộc xuất hiện tại cả thiên can lẫn địa chi. Tại sao cần phải phân thiên chiến, địa chiến? Vì chúng ta cần phải biết chiến cuộc xảy ra tại đâu, có sự tham gia của các cung tinh nào, và nó tác động đến các cung tinh nào trong bát tự, từ đó mà có thể luận cát hung đối với các cung tinh đó, cũng như chọn dụng thần cho chính xác hơn.
Ví dụ bát tự có thiên chiến, mệnh mộc nhược, thấu Canh Tân. Giả sử nguyên cục toạ Ấn Hợi là thuận lợi cho thông quan, vậy cần thông quan thì dụng thần là gì trong các chữ Nhâm, Quý, Hợi, Tý, Thìn, Sửu? Thiên chiến thì thường lấy thiên can giải, do đó dụng thần Nhâm, Quý sẽ có lợi hơn. Tương tự, địa chiến thì thường lấy địa chi giải, do đó Hợi, Tý, Thìn, Sửu sẽ có lợi hơn.
-----
Ví dụ bát tự thực tế.
Khôn: Tân Mùi – Tân Mão - Ất Mùi – Tân Tỵ
Phân tích: Ất – Mão – Mùi mộc cục. Thời trụ toạ Tỵ hoả, mộc hoả hàm tiếp. Niên trụ toạ Mùi có sinh cho Tân kim một ít. Mộc - hoả thành đảng chiến thổ - kim. Tháng Mão, mộc vượng hoả tướng, thành ra thổ - kim bại. Thân vượng.
-----
Như vậy có thể thấy khi bát tự gặp Quan Sát, thì một cách phân tích bát tự dễ dàng hơn đó là lấy chiến cuộc của nhật chủ và Quan Sát để luận. Nếu Quan Sát có tình thì cát, vô tình thì hung. Thế nào là có tình, vô tình? Thân nhược, Quan Sát vượng là vô tình. Thân vượng, Quan Sát nhược nhưng thành thế là hữu tình. Thân nhược thành thế, Quan Sát vượng có chế hoá là hữu tình. Thân vượng, Quan Sát nhược, không thành thế, lại còn bị chế hoá là vô tình.
“Chích yếu khử Sát tinh, bất phạ đề cương trọng”: Câu này dễ hiểu, “bất phạ đề cương trọng", chính là nói (ví dụ) mệnh mộc, gặp Quan Sát nắm lệnh tại nguyệt lệnh. Như vậy rõ ràng là hung. Quan hung thì thành Sát, vậy Quan Sát gọi chung là Sát. Chỉ cần khử Sát tinh thì thành cát, tức Sát có Thực Thương chế hoặc Sát gặp Ấn thụ hoá thì không sợ đề cương Sát trọng, vẫn có thể được xem là quý mệnh, bởi vì Quan Sát chính là quý khí. Quan Sát là hung nhưng có chế hoá thì xem như mệnh chủ đắc quý khí.
Sẵn dịp luận bè đảng, chiến cuộc, tôi làm rõ luôn một nội dung của Vượng Suy phái. Thường thấy lập luận cho rằng Vượng Suy phái lấy nhật chủ làm thái cực rồi cân bằng nhật chủ. Đó là một thiếu sót của Vượng Suy.
Ở đây tôi giải thích, nếu nhìn bát tự theo cách nhìn chiến cuộc thì Vượng Suy phái không phải cân bằng nhật chủ, mà là cân bằng ngũ hành. Tức là nói, chọn dụng hỷ thần không phải là cân bằng nhật chủ, mà là để cân bằng ngũ hành cả bát tự.
Tôi trở lại ví dụ phía trên đã phân tích:
Khôn: Tân Mùi – Tân Mão - Ất Mùi – Tân Tỵ
Phân tích: Ất – Mão – Mùi mộc cục. Thời trụ toạ Tỵ hoả, mộc hoả hàm tiếp. Niên trụ toạ Mùi có sinh cho Tân kim một ít. Mộc – hoả thành đảng chiến thổ - kim. Tháng Mão, mộc vượng hoả tướng, thành ra thổ - kim bại. Thân vượng.
Mộc - hoả thành đảng chiến thổ - kim, thổ - kim bại, tức nếu hạn chế mộc – hoả thì cân bằng ngũ hành toàn cục. Lấy kim chế mộc, hoặc lấy thổ tiết hoả sinh kim, đều là phù trợ thổ - kim, đồng thời tiết chế mộc – hoả. Như vậy là thông qua cân bằng nhật chủ, chúng ta thực chất là cân bằng khí thế của toàn bát tự.
Phân tích: Hợi – Mão bán hợp, tháng Hợi thì thuỷ nắm lệnh. Vượng khí đi từ nguyệt chi Hợi – nhật chi Mão – nhật chủ Đinh là một đường, lại đi từ niên chi Hợi – niên can Ất – nguyệt can Đinh là một đường. Thời trụ Bính Ngọ thuần hoả. Như vậy bát tự này toàn cục chỉ có một đảng duy nhất là thuỷ - mộc – hoả. Thành ra thuận thế lấy thổ làm dụng thần không chỉ tiết tú hoả, mà thực chất là dùng thổ thâu thuỷ - mộc – hoả khí, đồng thời chế bớt thuỷ vốn là đầu nguồn của mộc. Hoặc lấy kim làm dụng thần, thực chất là để tiết chế mộc khí, vốn là yếu tố chính tạo thành đảng thuỷ - mộc – hoả. Như vậy có thể thấy việc lựa chọn dụng hỷ từ trước đến nay được cho là dùng để cân bằng nhật chủ, thực chất là một cách nói hẹp lại cho dễ hiểu, thuận lợi cho việc nhập môn. Bản chất của việc chọn dụng hỷ, dưới cái nhìn khí thế, là thông qua đó, cân bằng ngũ hành toàn cục.
-----
Các ví dụ thực tế:
Càn: Quý Dậu – Bính Thìn – Kỷ Tỵ - Giáp Tuất
Đây là bát tự tôi xem đã lâu, hoặc thu thập từ phần luận của người khác (không nhớ rõ). Nếu đương số có phiền lòng thì cho phép tôi được tạ lỗi.
Phân tích: Mệnh Kỷ sinh tháng Bính Thìn, đắc tiết. Tháng Thìn, Giáp – Kỷ toạ Tỵ Tuất hoá thổ. Quan bị hoá mất. Thân vượng. Không nhìn Quan luận mà tìm dụng thần ở nơi khác. (2) Nhìn niên trụ Quý Dậu chế Bính hoả. Kim – thuỷ một đảng dùng chế hoả - thổ.
Càn: Giáp Tý – Bính Tý – Đinh Hợi - Ất Tỵ
Đây là bát tự bản thân tôi.
Phân tích: Mệnh Đinh sinh trọng đông tháng Tý, thất tiết. Thiên can thấu Giáp, Bính, Ất sinh trợ, địa chi toạ căn Tỵ. Đáng tiếc Hợi - Tỵ xung, phạt căn mộc hoả. Thuỷ - hoả tương chiến, địa chiến (1). Dụng mộc hoả. Giải địa chiến tốt nhất dụng địa chi.
Vận Kỷ Mão, niên Ất Mùi: Hợi – Mão – Mùi - Ất mộc cục, giải địa chiến, sinh hoả, hoả trát căn tại Tỵ. Sát tại Hợi (hung Quan xem như Sát) bị hoá mất, thành ra dù đề cương Tý Sát trọng, nhưng năm này thắng, sức khoẻ tốt, tình duyên đến. Xem như tam hỷ lâm môn. (3)(4)
Giáp Ất nhược phùng Thân, Sát Ấn ám tương sinh. Mộc vượng kim phùng vượng, quan bào tất quải thân.
(Mệnh Giáp Ất như gặp Thân, Sát Ấn ám tương sinh. Mộc vượng kim cũng gặp vượng, chắc chắn có công danh)
Trước khi luận tiếp câu 11, cần nhìn lại câu 10 một chút. Ở câu 10, tác giả Ngũ Ngôn Độc Bộ nêu ra một con đường tắt để xem bát tự có Quan Sát. Đó là lấy Quan Sát làm tâm điểm, lại phân chiến cục để nhanh chóng luận vượng nhược của nhật chủ.
Câu 11 lại tiếp tục bàn về bát tự có Quan Sát nhưng là một trường hợp đặc biệt: tuyệt xứ phùng sinh.
Giáp Ất nhược phùng Thân: Câu 11 tiếp tục lấy ví dụ mệnh Giáp hoặc Ất (nhật chủ là Giáp hay Ất), bát tự gặp chi Thân. Ở đây chữ “phùng” rất tối nghĩa. Nó có nghĩa là “gặp”. Nhưng gặp là thế nào? Là toạ ngay trên chi Thân, tức Thân là nhật chi; hay Thân là nguyệt lệnh (nguyệt chi); hay niên thời có chi Thân? Chỗ này có sách đề cập đến toạ chi Thân. Tức nhật chủ là Giáp nhật chi là Thân. Chú ý nhật can Ất là âm can, không toạ chi Thân là dương chi. Cho nên theo cách hiểu này thì phủ định trường hợp Ất toạ nhật chi Thân. Giả sử trong trường hợp Giáp hoặc Ất không phải là nhật chủ, tức nó là niên can, nguyệt can, hay thời can thì yêu cầu phải toạ Thân, tức chi Thân phải cùng trụ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, toạ Thân, hay nguyệt kiến Thân, hay niên thời toạ Thân đều có thể ứng hợp trong trường hợp này. Sự khác nhau trong bốn trường hợp là phải có, nhưng nó là những khác biệt tinh tế, cần dựa vào từng bố cục bát tự cụ thể, tôi không muốn bàn sâu ở đây.
Sát Ấn ám tương sinh: Đầu tiên phải xem cách gọi Sát, Ấn. “Ấn” ở đây cần được hiểu là Ấn thụ, tức bao gồm cả Chính Ấn (thường gọi tắt là Ấn) và Thiên Ấn (thường gọi tắt là Kiêu). Sát ở đây gọi chung cho Quan Sát. Can Giáp gặp chi Thân, chi Thân có bản khí là Canh thì Giáp gặp Thân là gặp Sát. Còn can Ất gặp Thân là gặp Quan, sao lại là Sát? Bởi vì Quan mà nghịch (có hại, là kỵ thần) thì xem là Sát. Cách viết “Sát Ấn ám tương sinh” theo sau là “Quan bào tất quải thân” thì có nghĩa tốt, Sát Ấn đắc dụng. Như vậy, từ cách gọi Sát, Ấn có thể tạm suy luận nhật chủ Giáp, Ất ở đây là mệnh nhược, mệnh nhược nên được Sát sinh Ấn ám sinh cho thân thì mới gọi là đắc dụng.
Mệnh Giáp, Ất mộc nhược, gặp Thân là xấu vì mệnh Giáp, Ất sinh tháng Thân là đất tử tuyệt, hoặc toạ Thân là đất tử tuyệt, hết đường sống. Nhưng tại sao lại thành tốt? Bởi vì chi Thân tàng Canh Nhâm Mậu theo thế liên châu, tức tương sinh: Mậu thổ sinh Canh kim sinh Nhâm thuỷ. Giáp Ất mộc thấy thuỷ xem như được sinh trợ nên mộc “phùng sinh” (gặp được sinh cơ). Mà sinh cơ này (Nhâm thuỷ) lại dài lâu, có nguồn vững vàng vì được Canh kim sinh cho, nên luận là cát, là quý. Từ đó mà có cách nói “tuyệt xứ phùng sinh”. Tức Giáp Ất đến Canh là nơi đất tử tuyệt (“tuyệt xứ”), gặp Ấn thụ có nguồn vững vàng sinh cho là hồi sinh (“phùng sinh”).
Tư tưởng luận “tuyệt xứ phùng sinh” là quý – nó quý hơn bình thường – còn bắt gặp ở một số câu khẩu đoán dân gian như “đại nạn bất tử, tất hữu hậu phúc” (gặp nạn lớn mà không chết thì sau này sẽ được phúc báo).
Như vậy thử thống kê các trường hợp tuyệt xứ phùng sinh: Giáp Ất gặp Thân, Bính Đinh gặp Hợi, Mậu Kỷ gặp Dần, Canh Tân gặp Ngọ, Nhâm Quý gặp Tuất hoặc Sửu. Phía trên tôi có đề cập đến lối xét tuyệt xứ phùng sinh khắc khe hơn, đó là bắt buộc phải toạ chi (cùng trụ) thì mới gọi là tuyệt xứ phùng sinh. Nếu theo cách này thì chỉ còn lại các tổ hợp Giáp Thân, Đinh Hợi, Mậu Dần, Canh Ngọ, Nhâm Tuất, Quý Sửu. Còn ít như vậy là bởi vì theo phương pháp ghép cặp can chi, dương can phải tọa dương chi, âm can phải toạ âm chi. Ví dụ ta thấy có Giáp Tý nhưng không bao giờ có Giáp Hợi hay Giáp Sửu. Trường hợp Nhâm Tuất có sách không luận tuyệt xứ phùng sinh vì quan niệm (1) táo thổ (thổ khô, Tuất) không sinh kim (Tân tàng trong Tuất) nên kim không sinh thuỷ, và (2) Tân kim hầu như không sinh thuỷ.
Ở đây cần chú ý tuyệt xứ phùng sinh hay Sát Ấn ám tương sinh chỉ là tiền đề, còn phải xem bố cục bát tự mà luận cát hung, chứ bản thân tuyệt xứ phùng sinh chưa hản là hoàn toàn cát lợi. Ví dụ, Giáp Ấn gặp Thân là tuyệt xứ phùng sinh, nhưng bát tự thấu Canh cận khắc (khắc gần) thì Thân giúp Canh khắc phạt Giáp Ất hơn là (chứ không phải hoàn toàn không có) giúp Nhâm sinh Giáp Ất. Hoặc Giáp Ất gặp Thân, bát tự thấu Nhâm thì Thân giúp Nhâm sinh cho Giáp Ất hơn là giúp Canh khắc phạt Giáp Ất. Đến hành vận cũng luận tương tự. Đó là lí do tại sao lại nói là “Sát Ấn ám tương sinh” mà không nói “Sát Ấn tương sinh”. “Ám” tức là nó không hiển hiện lên, chưa có tác dụng mạnh mẽ; nó cần phải gặp điều kiện cụ thể để phát huy ra tiềm lực của nó.
Tuyệt xứ phùng sinh sợ cái gì? Nó sợ bị hao tổn khắc phạt. Ví dụ Giáp Ất gặp Thân, bát tự thấu Nhâm, nhưng trong bát tự có chi Tỵ kề bên hợp khắc Thân thì Canh kim tàng trong Thân bị tổn, tức nguồn của Nhâm bị tổn. Dụng thần Nhâm thuỷ bị ám tổn, hung.
Qua đó có thể thấy, dù cho có luận cao xa, hệ thống lý luận có sâu rộng, thì tựu trung vẫn phải xây dựng hệ thống lý luận dựa trên các kiến thức cơ bản như ngũ hành sinh khắc chế hoá (có sách gọi là Ngũ Hành Đại Pháp), can thấu, can tàng, nguyệt lệnh đề cương, đặc biệt là bố cục bát tự. Cái gì là bố cục bát tự? Đó là bát tự được hình thành từ những can chi nào, vị trí của chúng ở đâu, mối quan hệ trên dưới xa gần là như thế nào, phía trên can nào thấu, phía dưới can nào tàng. Nắm được bố cục bát tự cũng là đạp bước đầu tiên nhập môn luận khí thế, tức là luận bố cục, và hướng đi của toàn bộ bát tự (chứ không phải chỉ riêng nhật chủ). Khi đến giai đoạn này thì chọn dụng hỷ thần không chỉ để “cân bằng” nhật chủ, bởi vì nhật chủ chỉ có một mình nó thì lấy gì cân bằng? Phải có từ hai phe đảng trở lên mới cần cân bằng. Mà đến mức độ này, chọn dụng hỷ thần là để cân bằng toàn bộ ngũ hành bát tự. Tuy nhiên nhập môn khí thế không chỉ cân bằng bát tự, mà còn phải nhìn đến các vấn đề cân bằng khác, như cân bằng âm dương, cân bằng khí hậu, và lưu thông sinh hoá. Tức là có thể “tinh chọn” dụng hỷ thần kĩ lưỡng hơn. Ví dụ bát tự cần dụng kim thì Canh, Tân, Thân, Dậu, Tuất, Sửu, Tỵ cái nào là tốt nhất (đại cát), cái nào tốt ít hơn (thứ cát), thậm chí có cái xấu, hung hiểm không nên chọn.
Mộc vượng kim phùng vượng: Mệnh Giáp Ất gặp tháng Thân chẳng hạn; tháng Thân kim vượng, mộc gặp ám sinh (như giải thích phía trên) nên cũng vượng theo. Ở đây lưu ý, chữ “vượng” nên hiểu là “cường” như tôi đã phân tích ở câu ngũ ngôn số 2.
Quan bào tất quải thân: Mệnh Giáp Ất nhược đắc tuyệt xứ phùng sinh, gặp đủ điều kiện như thuỷ khí thấu ra chẳng hạn thì đắc Sát lại đắc Ấn, tức Sát Ấn cho mình sử dụng. Sát là đường công danh, đường làm quan. Ấn là quyền lực, là nhiệm sở. Đắc Sát Ấn tương sinh là tượng xuất sĩ (ra làm quan), hoặc công danh thăng tiến, hoặc quyền lực mở rộng hoặc phát triển.
Như vậy câu số 11 luận một ví dụ đặc biệt của bát tự có Quan Sát là tuyệt xứ phùng sinh hay còn gọi là Sát Ấn ám tương sinh. Qua nội dung câu 11 này, còn thấy tác giả đề cập đến vấn đề nhân nguyên tàng độn.
Thường thấy người lập luận bát tự có tam tài: nhân nguyên là thiên can thấu xuất (niên can, nguyệt can, nhật can, thời can), địa nguyên là toạ địa chi (niên chi, nguyệt chi, nhật chi, thời chi), nhân nguyên là can tàng, hay còn gọi là nhân nguyên tàng độn. Trong đó nhân nguyên tàng độn có lẽ là vấn đề “huyền bí” nhất. Sẵn câu 11 sử dụng nhân nguyên tàng độn để luận, tôi muốn thử tóm tắt một chút các công dụng của nhân nguyên.
Công dụng thứ nhất của can tàng là quyết định nhân nguyên tư lệnh. Ví dụ tháng Thân tàng Canh Nhâm Mậu. Sau tiết Lập Thu thì Mậu chủ quản 10 ngày, Nhâm 3 ngày, còn Canh 17 ngày. Tổng cộng là 30 ngày, vừa tròn một tháng. Tôi nhận thấy nhân nguyên tư lệnh có những vấn đề sau. Thứ nhất, nhân nguyên tư lệnh dễ gây nhầm lẫn. Mệnh Mậu sinh tháng Thân, gặp ngày Mậu thổ tư lệnh thì luận đắc tiết hay thất tiết, đắc khí hay thất khí, đắc lệnh hay thất lệnh? Thứ hai, không có cơ sở xác định lí luận của nhân nguyên tư lệnh. Lấy tháng Thân làm ví dụ, sau Lập Thu, Mậu quản 10 ngày đầu, Nhâm quản 3 ngày giữa, Canh quản 17 ngày cuối. Hiện không có cơ sở lí luận vững chắc và thuyết phục cho việc phân chia này cũng như qui định số lượng này. Thứ ba, áp dụng nhân nguyên tư lệnh quá phức tạp. Ví dụ bát tự sinh tháng Thân, nếu thấu Canh vẫn luận Canh đắc căn, nếu thấu Mậu vẫn luận Mậu đắc căn, nếu thấu Nhâm vẫn luận Nhâm đắc căn. Điều này không thể chối cãi, cho nên có thể cho thấy tại bất cứ thời điểm nào của tháng Thân, thiên địa nhị khí đều tồn tại Canh, Nhâm, Mậu làm chủ. Vậy nếu vào ngày Mậu thổ tư lệnh, vậy ta phải nói Mậu làm chủ, Canh Nhâm là thứ chủ, các khí khác làm phụ. Quá phức tạp.
Có thể phản biện sinh tháng Thân, gặp ngày Mậu thổ tư lệnh, bát tự thấu Mậu là đắc quý khí, tự bản thân can Mậu có một loại quý khí bên trong nó. Điều này cũng có khả năng, có thể xem xét nó như là một dấu hiệu, kết hợp cùng những dấu hiệu khác (thủ tượng) để xác định quý khí đó là gì, biểu hiện cụ thể của nó trong cuộc sống là gì, là phúc, lộc, hay thọ chẵn hạn. Tuy nhiên đó là bàn về thủ tượng. Còn việc ứng dụng, mặc dù nhiều vị tiền bối vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng (nhưng không giải thích), tôi vẫn thấy ứng dụng vào Vượng Suy quá phức tạp. Tôi đoán rằng nhân nguyên tư lệnh áp dụng vào Cách Cục sẽ có tác dụng rõ ràng hơn.
Công dụng thứ hai của nhân nguyên tàng độn là đảm bảo thiên nhân hô ứng, hoặc thiên địa hợp nhất. Đó là ứng dụng của căn khí (rễ), tôi đã giải thích ở những câu Ngũ Ngôn trước.
Công dụng thứ ba của nhân nguyên là các quan hệ ám sinh, ám khắc, ám hợp chẵn hạn. Chúng góp phần quyết định khí thế của bát tự, cũng như hé lộ cát hung cụ thể của nhiều vấn đề trong một bát tự.
Tôi lấy ví dụ phía dưới:
Càn: Ất Sửu – Bính Tuất – Ất Mùi – Bính Tuất
Bát tự này tôi xem vào ngày 15/12/2015, ở diễn đàn nào hiện này không còn tìm thấy. Tôi chưa xin phép đã đăng ở đây. Nếu đương số có phật lòng, tôi xin được lượng thứ. Tôi trích một phần luận ra đây:
Luận: Ất mộc sinh quý thu toạ kho địa, trái phải thấu hoả. Thân nhược. Ngũ khí suy bại, tàng mà không phát. Khí nhuận, mà tinh cạn, thần khô. Dụng thuỷ kích. Hỷ mộc tuỳ điều kiện. […] Ra ngoài hay có nhiều người giúp đỡ, những người này thường là người thuộc hàng trưởng bối, có uy quyền. Các mối quan hệ xã hội khá rộng rãi. Quan hệ với cấp dưới hoặc người có vị trí thấp hơn không tốt, hay bị hao tài. […]
Đương số phản hồi: Ra ngoài thường được giúp đỡ của người trên ,thường được người trên và người giỏi giúp đỡ chính vì vậy cũng có nhiều người ghét và đố kỵ.
Thời trụ (môn hộ; xuất môn là ra ngoài xã hội nên thời trụ là cung Thiên Di) Bính Tuất toàn là kỵ thần mà tôi vẫn luận ra ngoài hay có nhiều trưởng bối giúp đỡ mà những người này lại có uy quyền? Tại sao luận quan hệ với cấp dưới hoặc người có vị trí thấp hơn không tốt? Bát tự toạ Sửu – Tuất – Mùi – Tuất hình xung tạp loạn, phá hỏng Sửu là kim khố mà cũng là nơi dưỡng thuỷ, có thể xem như bát tự không có một chút thuỷ khí nào (sách Tàu hay nói là “không một điểm thuỷ”). Bát tự thấu 2 Bính; 2 Tuất là hoả khố bị hình động gần như mở khố thành ra bát tự này nóng. Cần dụng thuỷ kích khí, nhuận khí mà bát tự khô nóng (táo noãn) thì khí lạnh (hàn) cũng có thể xem là hỷ. Ở đây là tôi luận khí hậu, hoặc nếu xem táo noãn là dương, hàn là âm, thì tạm gọi như xem âm dương cũng được. Bát tự quá nóng cần thêm hàn khí; hàn khí là thuỷ, là kim, vậy kim cũng xem như hỷ thần. Thời trụ (môn hộ) Bính Tuất tàng Mậu Đinh Tân ở thế liên châu, Đinh hoả sinh Mậu thổ sinh Tân kim, tức là noãn khí chuyển hoá thành hàn khí tại thời trụ Bính Tuất. Vậy Tân kim có thể xem là hỷ. Tân kim là Sát nên tôi luận được sự giúp đỡ của trưởng bối, có uy quyền.
Vậy tại sao nói quan hệ với cấp dưới hoặc người có vị trí lớn hơn không tốt? Thời trụ thấu Bính, Bính ám hợp Tân (Tân tàng trong Tuất). Trong môi trường quá khô nóng, Bính ám hợp Tân không có ý hướng tại thuỷ khí (Bính – Tân hợp thuỷ) mà có ý muốn tổn Tân kim, đoạt mất Tân kim. Bính là Thực Thần nên tôi luận quan hệ với người nhỏ tuổi hoặc vị trí thấp hơn không tốt (vì những người này có ý muốn chiếm đoạt quý nhân của bản thân).
Phía trên tôi đưa ví dụ cho công dụng thứ ba của nhân nguyên tàng độn là nó có ảnh hưởng đến khí thế, và biểu thị một số thông tin cát hung nếu luận thủ tượng. Thực chất tôi cũng muốn nói rõ, tôi không phải thần thánh gì mà luận như vậy. Để luận như trên tôi dùng vài kĩ thuật khác nhau xem cung Di trên bát tự của đương số, thấy các cách tính đều cho ra cùng một đáp án là có vấn đề như vậy nên tôi mạnh dạn luận. Tức về kĩ thuật ngũ hành (ám) sinh khắc chế hoá là luận như vậy cho thấy có quý nhân và có người muốn đoạt quý nhân, về kĩ thuật khác sẽ luận khác.
Tại sao tôi muốn nói rõ điều này? Vì không nói rõ, người đọc sẽ cảm thấy huyền bí quá, cao siêu quá, Ngũ Hành Đại Pháp khủng bố quá. Nhưng thực chất mỗi một kĩ thuật, như phía trên là ngũ hành (ám) sinh khắc chế hoá, nó sẽ cho ta một thông tin, sau đó ta dùng những kĩ thuật khác hoặc lối suy tính khác để xác nhận thông tin đó, thì khả năng chính xác sẽ cao hơn. Việc một số tác giả viết sách dùng nhiều kĩ thuật để kết luận một vấn đề, nhưng khi công bố chỉ luận một kĩ thuật mà họ muốn nhấn mạnh trọng tâm nên tạo cảm giác huyền bí không đáng có, dễ dẫn người đọc vào con đường mông lung, áp dụng lại y chang nhưng không đúng, từ đó mà mất phương hướng nghiên cứu học thuật.
Tóm lại, câu 11 “Giáp Ất nhược phùng Thân, Sát Ấn ám tương sinh, mộc vượng kim phùng vượng, quan bào tất quải thân” đề cập đến một dạng đặc biệt của bát tự có Quan Sát: Sát Ấn ám tương sinh, hay còn gọi là tuyệt xứ phùng sinh. Qua đó, chúng ta thấy thêm một vấn đề cơ bản của Tử Bình được đề cập ở đây: nhân nguyên tàng độn.
-----
Ví dụ thực tế
Càn: Giáp Tý – Bính Tý – Đinh Hợi – Ất Tỵ
Đây là bát tự bản thân tôi.
Phân tích: Mệnh Đinh sinh trọng đông tháng Tý, thất tiết. Thiên can thấu Giáp, Bính, Ất sinh trợ, địa chi toạ căn Tỵ. Đáng tiếc Hợi – Tỵ xung, phạt căn mộc hoả. Thuỷ - hoả tương chiến, địa chiến; hoả bại. Thân nhược, dụng mộc hoả.
Bát tự nhật chủ Đinh nhược lại toạ Hợi, tuyệt xứ phùng sinh (1)(2). Bát tự lại thấu Ấn thụ Giáp Ất lưỡng đầu sinh phù, Sát Ấn minh ám tương sinh tề tựu (2), đủ để khống thuỷ khí (3), lẽ ra làm quan (4). Đáng tiếc Hợi xung diệt Tỵ hoả phá cục tuyệt xứ phùng sinh. Ám sinh không còn, chỉ còn minh sinh. Hợi dẫn động thuỷ khí xung diệt hoả khí nên không thể tính là đắc Sát, chỉ thu được một ít thuỷ khí tại thời trụ Giáp Tý, thành ra phần lớn thuỷ khí (Sát) vẫn là kỵ thần. Mệnh có Ấn hữu dụng mà Quan không hữu dụng, tức có ti sở (cơ quan nhà nước - Ấn) mà không nhậm chức (Quan), tức không thể làm quan. Thu được một ít thuỷ Sát khí tại niên trụ, nên người có uy. Thực tế nhiều lần có cơ hội vào làm cơ quan nhà nước nhưng đều từ chối không làm.
(1) Giáp Ất nhược phùng Thân. Ở đây lấy mệnh Đinh gặp Hợi thay thế.
(2) Sát Ấn ám tương sinh
(3) Mộc vượng kim phùng vượng. Ở đây lấy hoả và thuỷ thay thế.