Ngũ Ngôn Độc Bộ Bình Chú
CÂU 1: 有病方为贵,无伤不是奇;格中如去病,财禄喜相随。
Hữu bệnh phương vi quý, vô thương bất thị kỳ; cách trung như khử bệnh, tài lộc hỷ tương tuỳ.
(Có bệnh thì mới là quý, không bị thương thì không phải mệnh phú quý. Trong mệnh cách nếu như bệnh được chữa, tài lộc tin tui đến bên cạnh).
Để hiểu được chữ “bệnh” cần phải hiểu sự vận hành của thiên đạo.
“Thiên chi đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc”. Tức là đạo vận hành của trời luôn chú trọng sự cân bằng. Chỗ nào dư ra thì lấy cái dư của nó mà bù cái thiếu của chỗ khác. Đạo trời ví như là giương cung nhắm bắn. Giơ quá cao thì cần hạ thấp xuống, giơ quá thấp thì cần nâng cao lên, dùng lực quá nhiều thì cần bớt lực đi, dùng lực quá ít thì cần thêm lực vào. Chủ yếu chú trọng ở chữ “cân bằng”.
Một bát tự cũng như một tiểu thiên địa, tức là một trời đất thu nhỏ. Nó cũng cần phải tuân theo qui luật cân bằng. Cân bằng trong bát tự có nhiều khía cạnh: cân bằng giữa hai khí âm dương, cân bằng của nhiệt độ nóng và lạnh, cân bằng giữa khô và ẩm, và cân bằng của ngũ hành.
Ở đây để đơn giản chỉ nói về cân bằng của ngũ hành. Ngũ hành bao gồm năm khí: kim, thuỷ, mộc, hoả, thổ. Ngũ hành nếu có một hành quá cường vượng (mạnh) hoặc quá nhược (yếu) sẽ làm mất cân bằng toàn bát tự.
Lấy mệnh chủ là mộc làm ví dụ. Mộc quá vượng có thể xảy ra các trường hợp sau:
(1) Mộc vượng mà gặp thổ thì nó khắc thổ, làm thổ bị thương. Như vậy bệnh là ở mộc.
(2) Hoặc nếu nó không gặp thổ mà cũng không gặp hoả thì tự mộc quá vượng nó sẽ tự thương bản thân nó. Như vậy bệnh là ở mộc.
(3) Hoặc mộc vượng cần hoả tới để tiết khí, vì mộc sinh hoả, sẽ làm mộc bớt vượng đi. Trong bát tự có hoả, nhưng hoả lại bị thuỷ khắc, không tiết khí được mộc. Như vậy bệnh là ở thuỷ.
(4) Hoặc mộc vượng cần kim tới khắc cho bớt vượng. Bát tự có kim, mà kim lại bị hoả gần bên khắc. Vậy bệnh là ở hoả.
(5) Hoặc mộc vượng cần kim tới khắc cho bớt vượng. Bát tự có kim, mà lại có thuỷ ở gần bên hoá kim sinh mộc (kim sinh thuỷ sinh mộc). Tức là kim không thể khắc mộc. Vậy bệnh là ở thuỷ.
Lấy mệnh chủ là mộc làm ví dụ. Mộc quá nhược có thể xảy ra các trường hợp sau:
(1) Mộc nhược cần thuỷ tới sinh cho bớt nhược. Bát tự không có thuỷ thì mộc không có sinh khí. Như vậy bệnh là ở mộc.
(2) Mộc nhược cần thuỷ tới sinh cho bớt nhược. Bát tự có thuỷ, nhưng có thổ ở gần bên khắc thuỷ, làm thuỷ không còn đủ sức sinh mộc. Như vậy bệnh là ở thổ.
(3) Mộc nhược, lại có hoả gần bên tiết khí (mộc sinh hoả nên bị tiết khí); làm cho mộc nhược càng nhược. Như vậy bệnh là ở hoả.
(4) Mộc nhược sợ bị khắc; bị khắc sẽ nhược càng nhược. Trong bát tự lại có kim gần bên khắc mộc. Như vậy bệnh là ở kim.
Như vậy bệnh không chỉ là sự mất cân bằng của ngũ hành, mà nó còn là nhân tố cản trở hệ thống ngũ hành trở về trạng thái cân bằng.
Có hai cách nhìn khác nhau về bệnh. Thứ nhất là mệnh quý trung hoà, tức là mệnh không có bệnh, bát tự trung hoà thì quý; thứ hai là có bệnh mới quý.
Cách nhìn thứ nhất là thuận theo thiên đạo. Tức lấy “tổn hữu dư nhi bổ bất túc” làm tôn chỉ. Cách nhìn thứ hai là thuận theo nhận đạo. Tức “tổn bất túc nhi phụng hữu dư” làm tôn chỉ.
Nhân đạo khác với thiên đạo. “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”. Thiên địa, trời đất vốn là vô tình, xem con người như chó rơm. Bất nhân, vô tình ở đây cần phải hiểu là công bằng, không thiên lệch. Muốn công bằng tuyệt đối, muốn xem người người đều như chó rơm, người giàu cũng như người nghèo, quan lại cũng như thường dân, nam cũng như nữ, người khóc cũng như người cười (chó rơm không biết khóc cười), thì thiên địa cần phải vô tình. Có vô tình mới có thể đối xử công bằng. Thiên địa mà có tình cảm thì chắc chắn sẽ xảy ra thiên lệch, ưu ái người này mà bất công với người kia. Như vậy thì thiên địa không thể thực hành cái đạo tổn hữu dư nhi bổ bất túc.
Nhân đạo thì ngược lại, nhân đạo có thất tình lục dục, có tham sân si, nên con người không thể “tổn hữu dư nhi bổ bất túc”. Người giàu có thì lợi dụng tiền bạc sẵn có để tạo lợi thế kiếm tiền nhiều hơn. Người có quyền uy thì dùng quyền uy của mình để tạo điều kiện cho bản thân có được nhiều đặc quyền hơn. Mà tiền bạc của cả xã hội thì có hạn. Mình lấy thêm được tiền tức là người khác phải bớt đi đúng số tiền đó. Vậy người có tiền càng thêm nhiều tiền, người nghèo khổ càng thêm mất tiền. Đã có dư còn muốn dư nhiều hơn. Đó là nhân đạo: "tổn bất túc nhi phụng hữu dư" (lấy cái không đủ mà nuôi cái đã có thừa).
Cách nhìn thứ nhất về bệnh (mệnh quý trung hoà) lấy thiên đạo làm tôn chỉ. Mệnh không có bệnh thì xem như quý. Cả đời bình bình an an, an nhàn tự tại, tu tâm dưỡng tính mà sống.
Cách nhìn thứ hai về bệnh (hữu bệnh phương vi quý) lấy nhân đạo làm tôn chỉ. Sẵn sàng hi sinh chỗ này để được chỗ khác. Như mệnh nam Ất sinh ngày Mão tháng Mão, gặp trụ ngày là Mậu thổ thì thổ bị khắc tổn rất mạnh, là tổn vợ hoặc tổn con. Nhưng một khi hành vận gặp hoả thì sẽ dễ dàng phát đạt, kiếm được nhiều tiền. Đó là chịu tổn vợ hoặc tổn con mà đổi lại tiền bạc.
Thánh nhân không màng danh lợi, tài lộc, chỉ chú trọng tu tâm dưỡng tính, giúp đời giúp người, an nhàn tự tại, nên thánh nhân lấy cân bằng là quý. Phàm nhân xem trọng danh lợi, tiền tài, nên phàm nhân lấy bệnh là quý.
Ở đây cần nhấn mạnh mệnh quý trung hoà còn có thể hiểu theo nghĩa: luận mệnh cần lấy trung hoà làm tôn chỉ. Tức gặp hành vận mà bát tự hướng gần hơn đến vị trí cân bằng thì là quý, là cát lợi. Ngược lại gặp hành vận mà bát tự càng xa rời vị trí cân bằng thì là hung, là bất lợi. Chứ không chỉ thuần tuý có nghĩa mệnh trung hoà là quý mệnh. Tuy nhiên cũng cần chú ý là không có mệnh nào là trung hoà, nó chỉ là một trạng thái lí tưởng mà thôi.
Như vậy “Hữu bệnh phương vi quý, vô thương bất thị kỳ” cần phải hiểu là cách nhìn mệnh lý theo Nhân đạo, nó không hoàn toàn đúng. Nó đúng đến đâu thì cần phải định nghĩa thế nào là "quý", thế nào là "kỳ", như đã giải thích phía trên.
“Cách trung như khử bệnh, tài lộc hỷ tương tuỳ” chính là nói nếu bệnh trong bát tự được khử thì tiền bạc, danh lợi cùng nhau đến. Đây là do khi khử được bệnh, tức có bệnh mà gặp thuốc, chữa được bệnh thì ngũ hành trong mệnh được cân bằng hơn, tức là điều cát lợi, điều lành đã đến.
Tóm lại, câu thứ nhất của Ngũ Ngôn Độc Bộ giới thiệu triết lý về mệnh lý của nó: Nhân đạo.